Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùng 4 Tết, giao thông Hà Nội đã “ngộp thở”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều mùng 4 Tết (tức 28/1), các tuyến đường huyết mạch dẫn về Thủ đô Hà Nội gia tăng lượng phương tiện một cách đột ngột bất chấp kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 vẫn chưa kết thúc.

 Dòng người từ các địa phương đổ dồn về Hà Nội trong ngày mùng 4 Tết
Tuyến cao tốc trọng điểm phía nam cửa ngõ Thủ đô là cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ gần như đã rơi vào tình trạng tê liệt do ùn tắc kéo dài dù Trạm BOT trên tuyến đường này chưa phải xả. Trong khi đó, tại hai bến xe cửa ngõ phía Nam là Giáp Bát và Nước Ngầm, tình trạng lộn xộn, bát nháo ngày càng nghiêm trọng.
Cao tốc nghẹt thở, Quốc lộ bơ phờ
15h ngày 28/1, vẫn còn 1 ngày nữa trong kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 nhưng trên 2 tuyến đường chính nối liền các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ về Thủ đô Hà Nội là cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và QL1A, phương tiện lưu thông đã ken đặc như nêm. Trên QL1A, từ đầu khu vực cầu giẽ, hàng trăm xe máy chằng buộc va li, đồ đạc cao quá đầu người chen chúc nhau trên mặt đường chật hẹp. Ùn tắc chưa xảy ra nhưng các phương tiện chỉ có thể lưu thông một cách chậm chạp, không ai dám vượt lên vì khoảng trống trên đường là rất ít.

 Nhiều người chủ động lên Hà Nội sớm để tránh tắc đường (Ảnh: Quý Nguyễn)

Dọc bên phải đường (chiều về Hà Nội) QL1A, đoạn từ địa phận xã Đại Xuyên đến Thị trấn Phú Xuyên, hàng quán bán nước giải khát lúc nào cũng rôm rả người ra kẻ vào. Đặc biệt là các hàng quán phía đầu cầu Giẽ. Phần lớn khách hàng là người ở các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… trên đường lên Hà Nội. Họ sử dụng phương tiện chính là xe máy, chủ động đi sớm trước khi kết thúc kỳ nghỉ Tết 1 ngày nhằm tránh ùn tắc có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều vào ngày hôm sau.
 Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng "ngộp thở" vì lượng phương tiện dồn về quá đông (Ảnh: Quý Nguyễn)
Song song với QL1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng đón nhận một lượng lớn phương tiện trong chiều 28/1. Từ 14h30, đoạn qua nút giao Vạn Điểm đã bắt đầu có dấu hiệu “full” công suất. Hàng trăm ô tô, trong đó phần lớn là ô tô con chen chúc nhau trên đường. Có chứng kiến cảnh tượng này mới thấy tốc độ phát triển của phương tiện giao thông cá nhân ở nước ta trong những năm gần đây lớn đến mức nào. Mức sống của người dân Việt Nam đang ngày càng cao khi lượng người sở hữu ô tô lớn dần theo thời gian.
 Ùn tắc bắt đầu xuất hiện khi dần đến Trạm BOT Pháp Vân (Ảnh: Quý Nguyễn)
Đến 15h30, khi đi càng dần đến Trạm BOT Pháp Vân, lượng phương tiện ngày càng đông hơn. Tình trạng ùn tắc cục bộ bắt đầu xảy ra. Hàng trăm phương tiện bám đuôi nhau di chuyển một cách chậm chạp trên đường.
Đến sát khu vực trạm thu phí, các phương tiện gần như không thể di chuyển được. Trong một thời gian ngắn, dòng phương tiện ùn ứ tại khu vực trước Trạm BOT Pháp Vân ngày một kéo dài. Lực lượng CSGT đã được tăng cường đến khu vực này để phân luồng, điều tiết giao thông nhưng ùn tắc vẫn ngày càng nghiêm trọng.
 Hàng trăm phương tiện mắc kẹt tại khu vực Trạm BOT Pháp Vân (Ảnh: Quý Nguyễn)
Khoảng hơn 17h, đoàn xe ùn tắc trước Trạm BOT Pháp Vân đã kéo dài tới hàng cây số. Lực lượng CSGT có mặt tại đây hoạt động hết công suất nhưng không thể lại sức ép ùn tắc ngày một lớn. Nguyên nhân chính của việc xảy ra ùn tắc chính là do phần lớn các phương tiện sử dụng hình thức thu phí thủ công. Số lượng phương tiện thu phí tự động là vô cùng ít ỏi. Các nhân viên trạm thu phí cũng làm việc không ngừng nghỉ nhưng cũng không xuể so với lượng phương tiện dồn về ngày một lớn.
 Sự có mặt của lực lượng CSGT không giúp tình trạng ùn tắc được cải thiện (Ảnh: Quý Nguyễn)
Trước nguy cơ ùn tắc kéo dài, lực lượng chức năng đã yêu cầu Trạm BOT Pháp Vân xả trạm để thông tuyến. Tuy nhiên, các nhân viên trạm thu phí này không thực hiện yêu cầu xả trạm ngay mà vẫn tiếp tục thu phí đối với các phương tiện lưu thông qua trạm. Phải đến khoảng 18h35, khi tình trạng ùn tắc đã trở nên nghiêm trọng, Trạm thu phí BOT Pháp Vân mới thực hiện xả trạm.
Xuất hiện xe khách chạy sai lộ trình
Nếu như trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tình trạng ùn tắc tại trạm thu phí khiến giao thông trên tuyến đường này trở nên nóng hơn bao giờ hết thì trên QL1A, sự xuất hiện bất thường của những chiếc xe khách liên tỉnh càng khiến cho giao thông thêm hỗn loạn. Bắt đầu từ nút giao tỉnh lộ 427 với QL1A, hai chiếc xe khách mang BKS: 18B – 003.69 mang logo nhà xe Thanh Phong, chạy tuyến Giao Thiện – Giao Thủy – Hà Nội và xe khách mang BKS: 37B -016.94 chạy tuyến Nghệ An – Hà Nội bất ngờ xuất hiện, hòa vào dòng xe máy đang chạy nườm nượp trên đường.
 Chiếc xe khách của nhà xe Thanh Phong ngang nhiên hoạt động trên QL1A, đoạn qua Thị trấn Thường Tín (Ảnh: Quý Nguyễn)
Trên suốt hành trình từ Thị trấn Thường Tín đến nút giao Pháp Vân, hai phương tiện này đều liên tục dừng đỗ để trả khách. Mỗi lần tạt té tại một vị trí nào đó, hai chiếc xe khách đều giữ tốc độ di chuyển nhanh, tạt đầu nhiều phương tiện khác để ghé vào lề đường. Sự xuất hiện và hoạt động ngang ngược của hai chiếc xe khách này khiến cho giao thông trên QL1A vốn đã chật chội, đông đúc lại càng thêm  náo loạn.
 Ngang nhiên đón trả khách dọc đường (Ảnh: Quý Nguyễn)
Cần biết rằng, lộ trình quy định của xe khách liên tỉnh không được di chuyển trên QL1A qua địa phận các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì mà bắt buộc phải đi trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Không hiểu vì lí do gì và bằng cách nào, hai chiếc xe khách này đã đột nhập được vào QL1A rồi ung dung hoạt động trên suốt quãng đường dài từ Thị trấn Thường Tín đến nút giao Pháp Vân.
 Xe khách mang BKS: 37B - 016.94 cũng "góp vui" trên QL1A (Ảnh: Quý Nguyễn)
Đặc biệt, xe khách mang BKS: : 37B -016.94 sau khi trả hết khách đã đi tới nút giao Pháp Vân rồi thay vì cập bến xe Nước Ngầm hoặc Giáp Bát giống như tất cả các xe khách khác, lại rẽ trái hướng thẳng ra cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ một cách khó hiểu. Vào thời điểm chiếc xe này xuất hiện, tại nút giao Pháp Vân có hai cán bộ mặc đồng phục Thanh tra Giao thông đứng làm việc, cạnh đó là một ô tô chuyên dụng của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, không có bất cứ ai hay đơn vị nào xử lý chiếc xe khách “chạy dù” này.
 Và cũng dừng đỗ trả khách vô tội vạ trên đường (Ảnh: Quý Nguyễn)
Một vấn đề nghiêm trọng khác mà phóng viên Kinh tế & Đô thị đã từng đề cập là tình trạng xe khách dừng đỗ vô tội vạ trên đường Giải Phóng, khu vực trước cổng bến xe Giáp Bát tiếp tục tái hiện trong ngày mùng 4 Tết. Thêm vào đó là tình trạng xe khách, xe dạng limousine, xe hợp đồng trá hình dừng trả khách một cách bừa bài dọc trên tuyến Giải Phóng, đoạn từ nút giao Pháp Vân đến cổng bến xe Giáp Bát.
 Xe hợp đồng trá hình trả khách trên đường Giải Phóng (Ảnh: Quý Nguyễn)
Thêm vào đó, đội ngũ xe ôm và taxi hoạt động vô tội vạ tại khu vực cổng bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm càng khiến giao thông trên tuyến Ngọc Hồi – Giải Phóng trở nên hỗn loạn. Hàng loạt vị trí, xe ôm và taxi ngang  nhiên tràn ra đến tận giữa lòng đường, chiếm khoảng không để làm nơi đón khách. Một số hàng quán cũng tự tiện bày bàn ghế dưới lòng đường để làm nơi bán hàng. Không gian giao thông tại những khu vực này vốn đã chật chội lại càng thêm bức bối.
 Cảnh tượng bát nháo, vô pháp vô cương tại cổng bên xe Giáp Bát (Ảnh: Quý Nguyễn)
Những phương tiện này mặc sức di chuyển ngược chiều, tranh giành nhau ngay giữa đường làm cho bất kì ai chứng kiến cũng có cảm giác, đây là chợ cóc mọc giữa đường chứ không phải tuyến đường giao thông được quản lý và giám sát chặt chẽ tình hình trật tự và ATGT của Hà Nội.
 Hàng quán tràn xuống đường ở khu vực cổng bến xe Nước Ngầm (Ảnh: Quý Nguyễn)
Dù chiều mùng 4 Tết, lượng phương tiện đổ về Hà Nội chưa ở mức cao nhất nhưng ùn tắc đã liên tục xảy ra tại các “điểm đen” trước cổng hai bến xe này. Điều khó hiểu là tìm mỏi mắt cũng không thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng tại đây.