1 - Sử dụng phiếu đi chợĐể thực hiện giãn cách xã hội, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã triển khai mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân. Phiếu đi chợ đều có quy định ngày đi chợ chẵn, lẻ cho người đi chợ. Theo đó, mỗi phiếu chỉ cho một người đi và một lần vào chợ. Thậm chí, có những nơi còn quy định cụ thể khung giờ được phép vào chợ mua hàng, như ở phường Thanh Xuân Nam, người dân cầm thẻ đi chợ đúng giờ quy định.
|
Phiếu đi chợ. Ảnh: Minh An. |
Trải nghiệm sử dụng phiếu đi chợ 1 tháng qua, bà Nguyễn Thị Nga (phường Quang Trung, quận Đống Đa) cho biết: “Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi thấy việc phát phiếu đi chợ là rất cần thiết. Cá nhân tôi cảm không có gì bất tiện cho lắm. Mỗi tuần tôi có thể đi chợ 2 lần/tuần. Tôi thấy thời gian như vậy là hợp lí.”
2 - Đi siêu thị onlineTrong thời gian này, việc các chợ truyền thống hạn chế mua bán cũng là lúc các siêu thị và điểm bán thực phẩm đẩy mạnh việc bán hàng trên các kênh trực tuyến và thương mại điện tử. Các đầu siêu thị ở Hà Nội như Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua đã tăng đột biến từ 50-70% so với thời điểm chưa giãn cách.
|
Hệ thống bán hàng của siêu thị AEON. Ảnh: Chụp màn hình. |
Bên cạnh việc cung ứng sản phẩm, các siêu thị cũng đang áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch như giao hàng tận nhà miễn phí, tích điểm, tặng voucher, giảm giá một số sản phẩm… đồng thời đẩy mạnh việc thanh toán online, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thu Huyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách, thói quen đi chợ vào mỗi buổi sáng để mua đồ ăn cho gia đình cũng không còn, bởi từ trước đó tôi đã tiếp cận các hình thức đặt hàng online. Book thực phẩm online có những lợi thế là hàng hoá đa dạng, có thể đặt giờ cố định để nhận như vào lúc con đang học online hay vào buổi chiều”.
3 – Dịch vụ đi chợ hộTừ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các ứng dụng giao đồ ăn như GrabFood, Now, Baemin đồng loạt thông sẽ tạm dừng dịch vụ giao đồ ăn để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, các hãng này vẫn duy trì dịch vụ đi chợ, siêu thị hộ, vận chuyển các hàng hoá thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế.
|
Dịch vụ đi chợ hộ trên ứng dụng Grab. |
Thông thường, khách hàng sẽ mở dịch vụ đi chợ hộ của bất kỳ ứng dụng nào ra, rồi chọn thực phẩm. Sau đó, khách hàng sẽ đặt hàng và thanh toán để nhân viên vận chuyển hàng đến địa chỉ được ấn định. Chị Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Dịch vụ này đang đem lại sự tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả cho người tiêu dùng trong thời đại bận rộn. Hơn nữa, chúng còn giải quyết được nỗi lo lắng của mọi người khi đến các nơi công cộng, đông người trong mùa dịch. Tuy nhiên, trong mùa dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm của mọi người tăng cao nên khách muốn nhận hàng trong ngày nên đặt từ sáng sớm, tránh những khung giờ cao điểm”.
4 – Mua nhu yếu phẩm trên mạng xã hộiTrong những thời điểm thực phẩm hết, phiếu đi chợ hay siêu thị chưa đến ngày mua, ngoài việc mua hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử, nhiều người lựa chọn mua đồ trên mạng xã hội. Ghi nhận trên nhiều hội nhóm Facebook, Zalo như: “Homefarm”, “Bác Tôm”, “Goldfruits”, “Meatdeli”..., các mặt hàng thiết yếu được bày bán không thiếu thứ gì, từ xôi, bánh cuốn, bánh mỳ đến thịt cá, rau xanh các loại, các món nhâm nhi.
|
Trang mạng xã hội mua bán thực phẩm. Ảnh chụp màn hình. |
Trên Zalo, người dân chỉ cần mở ứng dụng, nhấn “quan tâm” tài khoản “Đi chợ mùa Covid”, hoặc truy cập: https://bit.ly/DiChoMuaCovid, nhập địa chỉ và chọn “Đặt hàng”, danh sách các cửa hàng gần nhất sẽ được hiển thị.
Nhu cầu mua thực phẩm theo hình thức này rất cao và cũng giải quyết phần nào áp lực cho kênh mua sắm hiện đại. Chị Lê Hương Giang (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: “Nói thật những ngày này, dù đi cửa hàng thực phẩm hay đi siêu thị tôi đều lo ngại Covid-19 nên chỉ ở nhà đặt hàng. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng vậy nên thường chia sẻ nhau những địa chỉ bán thực phẩm online dễ mua và uy tín. Từ đầu dịch đến nay, hầu như tôi rất hiếm khi ra ngoài mua thực phẩm”.
5 – Chợ lưu độngBên cạnh sự rôm rả của các hình thức đi chợ online, mô hình siêu thị, chợ lưu động cũng đã được triển khai nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.
|
Chợ lưu động tại Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Ảnh: Vân Nhi. |
Trên đại bàn quận Long Biên, chính quyền địa phương cũng đã mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: Khu đô thị Việt Hưng, sân chơi số 34 phố Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng Đảo Sen (phường Ngọc Lâm). Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân. Bên cạnh đó, tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.
6 – Sàn thương mại điện tửNgoài các phương thức kể trên, thời điểm giãn cách xã hội, nhiều sản thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki… cũng bán thực phẩm rất đa dạng và cam kết giao nhanh chỉ sau vài tiếng đồng hồ.
Ghi nhận trên sàn này cho thấy, rau xanh, thịt cá các loại được ưu tiên hiển thị để hỗ trợ nhu cầu đặt hàng của người dân trong dịch. Đơn hàng đặt sẽ được giao trong ngày, trường hợp khách đặt sau 16h sẽ được giao vào sáng ngày tiếp theo.
Các sàn Shopee, Lazada… cũng đang tăng cường các mặt hàng bách hóa, hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống để người dân có thể đi siêu thị tại nhà trong mùa dịch.
Phía Shopee lưu ý với đơn hàng dùng phương thức vận chuyển hỏa tốc, người mua cần lưu ý cần chọn nhà bán hàng trong phạm vi cùng quận, huyện, thành phố nơi mình sinh sống, đồng thời đặt hàng vào khung giờ ban ngày. Người dân có thể chủ động tìm kiếm các nhà bán thực phẩm trong quận để được giao nhanh chóng.