Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Muốn thành công, chỉ quyết tâm chưa đủ

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Liên đoàn Bóng đá Thái Lan hạ bệ công thần Kiatisak, nhiều người đã nghĩ đến một SEA Games thuận lợi cho U22 Việt Nam.

Dấu ấn của Kiatisak ở đội tuyển Thái Lan quá lớn, nên thiếu vắng nhà cầm quân này có thể khiến bóng đá xứ sở chùa Vàng khủng hoảng. Nhưng không, họ vẫn về đích với tấm HCV cùng một lối chơi hoàn hảo cho từng trận đấu.
Đến bây giờ, có thể khẳng định, Thái Lan ở một đẳng cấp khác so với phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á. Họ có thể thay đổi ban huấn luyện, thậm chí là thượng tầng của nền bóng đá thì sức mạnh của đội tuyển không hề giảm đi. Ngay cả khi lứa cầu thủ giành vàng không còn thi đấu thì bóng đá Thái Lan vẫn sản sinh ra vô số những nhà vô địch mới.

Trước trận đấu với Thái Lan, giới truyền thông và các nhà chuyên môn Việt Nam đồng loạt luận bàn về việc đối thủ lớn nhất khu vực đang sở hữu một đội ngũ yếu nhất trong lịch sử. Họ không có dàn cầu thủ kế cận xuất sắc như trước đây. Thậm chí, ông bầu Đoàn Nguyên Đức còn không chọn Thái Lan là đối thủ chính. Ông bảo, Indonesia mới là đối thủ đáng gờm và “không thắng Thái Lan thì thắng ai”. Chưa hết, các nhà chuyên môn vốn chỉ hay tiếp cận thông tin từ báo giới cũng vội vàng đưa ra luận điểm: “Thái Lan không ham SEA Games nữa. Họ muốn hướng đến châu lục và thế giới chứ không phải là ao làng SEA Games”.

Rút cuộc là U22 Việt Nam đã căng cứng trước Thái Lan. Các cầu thủ của chúng ta đã thua một cách toàn diện từ cách chơi lẫn bản lĩnh trận mạc. Và không chỉ có U22 Việt Nam, U22 Myanmar và cuối cùng là U22 Malaysia, nước chủ nhà SEA Games đã trở thành nạn nhân của U22 Thái Lan. Đội bóng này đã lên ngôi vô địch một cách xứng đáng với những lối chơi phù hợp cho từng đối thủ.

Không chỉ Việt Nam, cả nền bóng đá Đông Nam Á đều mang một khát vọng phải đánh bại Thái Lan. Vượt qua Thái Lan luôn là mục tiêu số 1 của các đội tuyển trong khu vực. Thế nhưng, chỉ khát vọng đánh bại người Thái thôi là chưa đủ. Phải học ở họ về triết lý phát triển bóng đá thay vì chăm chăm đầu tư cho một đội bóng ở một chặng đường cụ thể.

Chân đế vững và một triết lý phát triển xuyên suốt luôn là điểm yếu của bóng đá Việt Nam. Trong khi bóng đá Thái Lan đã xây dựng thành công một giải đấu chuyên nghiệp với những đội bóng chuyên nghiệp biết kinh doanh để phát triển bóng đá thì ở Việt Nam, bóng đá luôn phát triển theo vòng tròn. Nay thì các đội bóng chạy theo xã hội hóa với sự chống lưng của các ông bầu, mai thì nằng nặc đòi hưởng bầu sữa bao cấp. Hệ quả là gần 20 năm qua, bóng đá Việt Nam không có nhiều biến chuyển về hạ tầng và định hướng phát triển. Chúng ta không coi đào tạo trẻ là mặt trận số 1 dù nhiều đội bóng đã quan tâm đến điều này. Việc dùng đội bóng của mình bầu Đức để đối chọi với cả nền bóng đá Thái Lan không thể mang đến kết cục thắng lợi bởi tương quan quá mất cân bằng.

Vậy mới nói, trước khi muốn đánh bại Thái Lan, hãy học họ ở chiến lược phát triển và thái độ ứng xử trong một nền bóng đá có rất nhiều toan tính khác nhau.