Trong nhiều năm, Ả Rập Saudi và Mỹ là đồng minh thân cận ở Trung Đông, khi Mỹ đóng vai trò là nhà buôn vũ khí hàng đầu cho Vương quốc vùng Vịnh.
Nhưng kể từ khi các thành viên OPEC+, nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ bao gồm cả Nga, nhất trí với kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, nhiều người Mỹ đã bắt đầu đánh giá lại mối quan hệ đồng minh "có đi có lại" của họ với Ả Rập Saudi.
Động thái này đã gây ra làn sóng phản ứng khắp Washington, khiến Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ công khai chỉ trích quốc gia vùng Vịnh, đồng thời đe dọa hạ cấp quan hệ của họ để trả đũa.
"Chúng tôi không chỉ cung cấp rất nhiều vũ khí mà còn cả các sáng kiến quốc phòng, hợp tác và phòng thủ chung cho Ả Rập Saudi. 73% vũ khí họ nhận là từ Mỹ" - Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna từ California cho biết.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, từ năm 2017 - 2021, Ả Rập Saudi là nước mua vũ khí lớn nhất từ Mỹ, chiếm 23% tổng doanh số bán vũ khí của Mỹ .
Vào tháng 10/2018, mối quan hệ giữa các đồng minh lâu năm đã bị thử thách, sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi nghi bị sát hại tại Đại sứ quán Ả Rập Saudi ở Istanbul. Những bí ẩn xung quanh vụ việc đã dẫn đến nhiều cáo buộc rằng Thái tử Ả Rập Saudi, Mohammad bin Salman, là người đứng sau.
Trong khi truyền thông và đảng Dân chủ Mỹ lên án gay gắt Hoàng gia Riyadh vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Donald Trump được cho là đã "nhắm mắt làm lơ" cho Thái tử, khi các thương vụ với Ả Rập Saudi, đặc biệt là hợp đồng vũ khí, là một trong những lý do chính mà nhà cựu lãnh đạo lựa chọn thay vì trừng phạt Vương quốc vùng Vịnh.
Đến đầu năm 2021, một trong những động thái quan trọng để bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden là cho phép công bố một báo cáo kết luận rằng Thái tử Mohammad bin Salman đã "phê chuẩn" vụ sát hại Khashoggi.
Nhưng 1 năm sau, ông Biden lại cố gắng ngồi vào bàn thảo luận với Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về nguy cơ suy thoái kinh tế do cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, cả UAE và Ả Rập được cho đều đã từ chối các cuộc điện đàm từ Nhà Trắng.
Được mô tả như "một sự tuyệt vọng", mùa Hè năm 2022, Tổng thống Biden đã đích thân đến Riyadh để gặp riêng Thái tử Mohammad bin Salman - một động thái vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền thông nước nhà. Nhưng kết quả, tình hình dường như có chiều hướng tồi tệ hơn sau khi Tổng thống Mỹ rời thủ đô vùng Vịnh.
Khi mà giá năng lượng vẫn chưa thể ổn định, Ả Rập Saudi đã thực hiện một bước đi táo bạo hơn vào đầu tháng 10 này, khi quyết định cùng với Nga cắt giảm nguồn cung dầu hơn 2 triệu thùng/ngày. Tổng thống Biden đã chỉ trích động thái này, nhưng tránh đưa ra bất kỳ bình luận nào để chờ Quốc hội Mỹ họp lại.
Nhìn chung, mối quan hệ hiện tại giữa hai nước dường như đang có xu hướng tan rã hơn, do Washington đã không thuyết phục được Ả Rập Saudi và các quốc gia Ả Rập khác cắt đứt quan hệ với Nga, bất chấp cảnh báo từ Mỹ.
Rạn nứt mới nhất giữa Riyadh và Washington có thể sẽ bùng phát trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và cuộc đua tới Nhà Trắng năm 2024 sắp tới, khi các đảng viên Cộng hòa sẽ tận dụng triệt để những khó khăn kinh tế của chính quyền Biden và bất ổn quốc tế.