Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam trong 4 năm gần đây. DOC cho biết, mức thuế nói trên sẽ được áp dụng lên các sản phẩm nhập khẩu tương tự trong tương lai, thậm chí với cả các đơn hàng nhập khẩu chưa giao hết, được ký từ ngày 2/8/2018.
Trước đó, việc điều tra chống lẩn tránh thuế các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đã được khởi xướng từ cuối tháng 7/2018, theo yêu cầu của các DN kinh doanh thép Mỹ, bao gồm: California Steel Industries, AK Steel, ArcelorMittal, Nucor, Hiệp hội thép Mỹ và Steel Dynamics. Nguyên đơn cáo buộc Việt Nam sử dụng thép nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan để làm nguyên liệu sản xuất chính, sau khi chính quyền Mỹ đã áp thuế lên các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội từ Hàn Quốc và Đài Loan, khiến lượng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt 331,9% và 916,4% so với các năm trước đó.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ riêng ngành thép, tính đến cuối năm 2017, ngành sản xuất thép của Việt Nam đã trải qua gần 30 vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 25% tổng số vụ kiện trong năm, đưa ngành thép trở thành ngành bị kiện tụng nhiều nhất hiện nay.
Hiện, Việt Nam đang nỗ lực để giảm thặng dư thương mại với Mỹ và đã tiến hành truy xét nguồn gốc xuất xứ, cam kết trừng phạt các nhà sản xuất Trung Quốc trốn thuế nhập khẩu dùng chiêu thức đẩy hàng sang Đông Nam Á rồi xuất qua Mỹ. Được biết, thặng dư thương mại hàng năm của Việt Nam so với Mỹ đã vượt mốc 20 tỷ USD kể từ năm 2014 và cán ngưỡng 39,5 tỷ USD trong năm 2018.