Rất chóng vánh chứ không lần lữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hiện thực hoá thêm một bước lời đe doạ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thể hiện trong tối hậu thư đã đưa ra cho tổ chức này của LHQ khi quyết định ngừng sự hợp tác của Mỹ với WHO. Trước đấy không lâu, ông Trump đã có quyết sách là dừng mọi đóng góp tài chính của Mỹ cho ngân quỹ hoạt động của WHO.
Không còn đóng góp tài chính cho WHO và không còn hợp tác gì nữa với WHO, nước Mỹ như thế trên thực tế đâu có khác gì đứng ngoài WHO cho dù trên danh nghĩa chính thức vẫn còn là thành viên của WHO. Có thể thấy ông Trump vẫn có chủ ý duy trì cầu nối với WHO chứ chưa hẳn để cho nước Mỹ đoạn tuyệt hoàn toàn với WHO.
Những cáo buộc và phê trách của ông Trump đối với WHO không có gì mới mẻ và cả những biện luận của ông Trump cho quyết sách mới này cũng vậy. Thiên hạ cũng không lạ lẫm gì về mục đích và mưu tính của ông Trump với quyết sách này. Ông Trump gây khó cho WHO để nhằm vào Trung Quốc và người này cần cuộc công kích vào WHO và Trung Quốc trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra tác oai tác quái ở Mỹ đến mức độ gây nguy hại tới cơ may của ông Trump được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ.
Dịch bệnh này đã làm cho kinh tế nước Mỹ lâm vào tình cảnh bị suy thoái trầm trọng nhất và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ gần một thế kỷ nay ở nước Mỹ. Thảm trạng này rất có thể khiến ông Trump bị thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới nếu đa số cử tri Mỹ nhìn nhận rằng đó là kết quả của việc ông Trump đã thất bại trong ứng phó dịch bệnh ở nước Mỹ.
Vì thế, ông Trump tìm cách làm cho cử tri Mỹ tin rằng Trung Quốc và WHO chịu trách nhiệm về thảm trạng hiện tại ở Mỹ, từ đó sẽ đi đến nhận thức là việc ông Trump chủ trương công kích Trung Quốc và WHO, quyết định ngừng đóng góp tài chính của Mỹ cho ngân sách hoạt động của WHO và chấm dứt sự hợp tác của Mỹ với WHO, thậm chí rồi đây có thể cả rút nước Mỹ ra khỏi WHO, là đúng đắn, cần thiết và phù hợp với tinh thần và câu chữ của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump.
Ông Trump nhìn nhận và tìm kiếm cái lợi ấy trong cuộc thập tự chinh chống WHO và trong chủ trương làm găng với Trung Quốc ở thời gian vừa qua cũng như cả sắp tới nữa. Cực đoan hoá các quan điểm vận động tranh cử và khoét sâu sự phân hoá trên chính trường và trong nội bộ xã hội Mỹ thuộc về những thành tố trụ cột trong chiến lược và sách lược vận động tranh cử tổng thống của ông Trump.Cứ coi đấy là những cái lợi đối với ông Trump ở Mỹ đi thì việc đứng ngoài WHO trên thực tế như thế của Mỹ lại ẩn chứa không ít điều bất lợi đối với Mỹ ở thế giới bên ngoài. Ông Trump làm cho nước Mỹ trở nên biệt lập và bị cô lập ở thế giới bên ngoài nước Mỹ. Mỹ co về và đứng ngoài các tổ chức, thể chế và thoả thuận đa phương quốc tế thì vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới sẽ bị suy giảm.
Sẽ có không ít đối tác và cả đối thủ của Mỹ nữa trên một số phương diện sẵn sàng và đã thế chân Mỹ trong vai trò và ảnh hưởng ấy trên thế giới, trong đó đặc biệt là Nga, Trung Quốc và EU. WHO rất quan trọng và cần thiết đối với thế giới nên không có đóng góp tài chính và sự hợp tác của Mỹ, thậm chí cả khi Mỹ không còn là thành viên WHO nữa, tổ chức này của LHQ vẫn tồn tại và hoạt động, tuy gặp khó khăn nhưng vẫn thực thi sứ mệnh lịch sử của nó và các thành viên khác sẽ cùng nhau dần thay thế Mỹ trên mọi phương diện trong khả năng như có thể được.
Đấy chính là cái bất lợi về lâu dài đối với Mỹ. Không phải ông Trump không ý thức được đầy đủ về hệ luỵ ấy. Nhưng ưu tiên hàng đầu của người này bây giờ là vận động tranh cử sao cho được tái đắc cử tổng thống. Sau cuộc bầu cử tổng thống sẽ là tình thế và cục diện hoàn toàn khác ở Mỹ về chính trị và xã hội. Khi ấy, chuyện lợi hay hại ở trong hay ngoài đâu còn có ý nghĩa quyết định gì nữa đối với người này.