Mỹ còn ho, thế giới còn lo

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với các cường quốc khác trên thế giới, "nước Mỹ bệnh tật" là một áp lực gia tăng lên cuộc chiến của chính họ với Covid-19 và suy thoái kinh tế.

Người dân tập trung ở Huntington Beach, California, Mỹ hôm 19/7.
Vào năm 2018 - gần như đoạn cuối của đà bùng nổ kinh tế kéo dài một thập kỷ, Mỹ được xem đã kéo thế giới cùng đi lên nhờ chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu của Chính phủ Washington, cả ở trong nước và trên thị trường toàn cầu.
Nhưng chính vì vậy mà chính sách của Mỹ lúc này cũng có khả năng kéo thế giới xuống, khi phản ứng của nước này đối với đại dịch Covid-19 trở thành nguy cơ đối với bất kỳ sự phục hồi nào của toàn cầu.
Sau khi Chính phủ Washington cam kết hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia, đồng thời thông qua một loạt các hạn chế nhằm ngăn chặn virus lây lan kể từ tháng 3, số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang gia tăng kỷ lục ở nước này. Khi các chương trình hỗ trợ trôi dần về hạn cuối, mức tăng ca nhiễm mới hàng ngày đang tăng gấp 3.
Đối với các cường quốc khác trên thế giới, “nước Mỹ bệnh tật” là một áp lực gia tăng lên cuộc chiến của chính họ với Covid-19 và suy thoái kinh tế.
Nền kinh tế Mỹ chiếm khoảng 1/4 GDP thế giới. Mặc dù phần lớn trong số đó liên quan đến dịch vụ, nhưng tất cả đều liên quan chặt chẽ: Một công việc bị mất dẫn đến chi tiêu tiêu dùng thấp hơn, kéo theo nhập khẩu ít hơn; hay điều kiện kinh doanh yếu dẫn đến đầu tư ít hơn vào thiết bị hoặc vật tư - những thứ thường được sản xuất ở nơi khác.
Nhập khẩu hàng năm của Mỹ cho đến tháng 5 vừa qua đã giảm hơn 13%, tương đương khoảng 176 tỷ USD.
Ở Đức, một trong những nơi đã có các biện pháp ngăn chặn đại dịch hiệu quả, xuất khẩu của nước này sang Mỹ trong tháng 5 đã giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói rằng, không có nhiều triển vọng để cải thiện, khi mà doanh số bán ô tô hàng năm của Mỹ tính đến tháng 6 đã giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình càng trở nên tồi tệ với các láng giềng của cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Chẳng hạn như Canada, với khoảng 3/4 số hàng xuất khẩu của đất nước đổ sang Mỹ.
Tại biên giới phía Nam, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã thực hiện một chuyến công thăm đầy rủi ro với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng này, với hy vọng thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mới USMCA - có hiệu lực hôm 1/7 - sẽ thúc đẩy kinh doanh và đầu tư, để hồi sinh nền kinh tế Mexico được dự báo có thể thu hẹp 10% hoặc hơn trong năm nay.
Tuy nhiên ngay bản thân Mỹ, GDP đã được IMF dự báo giảm 6,6% trong năm nay, trùng với dự đoán của nhiều nhà phân tích. Ngân hàng Canada thậm chí bi quan hơn, dự báo GDP của cường quốc kinh tế số 1 thế giới sẽ giảm 8,1% trong năm 2020 do tình hình sức khỏe cộng đồng trở nên tồi tệ hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần