Ngay trước thềm chuyến thăm, Mỹ và Philippines đã đạt được một Hiệp ước 10 năm cho phép lính Mỹ tăng cường hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này.
Chính vì vậy, chuyến thăm lần này một lần nữa giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời ở khu vực cũng như củng cố chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Trong chuyến thăm tới Philippines lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama sẽ gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Bên cạnh các vấn đề an ninh và quốc phòng, theo các phương tiện truyền thông Mỹ, chuyến thăm là cơ hội bắt đầu một chương mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama (Ảnh AP)
|
Một sự kiện quan trọng được quan tâm trong chuyến thăm này đó là lễ kí kết Hiệp ước an ninh giữa hai bên, chỉ diễn ra vài giờ trước khi ông Obama đặt chân đến thủ đô Manila.
Hiệp ước an ninh này là một thỏa thuận quốc phòng quan trọng, có ý nghĩa nhất giữa hai bên trong nhiều thập kỉ qua. Thỏa thuận được đưa ra 23 năm sau khi các cuộc tranh luận căng thẳng tại Thượng viện Philippines dẫn đến việc đóng cửa trạm căn cứ thường trực cuối cùng của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này .
Theo các chuyên gia phân tích, Hiệp ước an ninh 10 năm giữa Mỹ và Philippines có thể giúp tăng các hoạt động buôn bán vũ khí của Mỹ tại Philippines trong những năm tới, đặc biệt là các trang thiết bị giám sát hàng hải.
Thỏa thuận sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận một số căn cứ quân sự chọn lọc, xây dựng thêm các cơ sở mới và triển khai các loại thiết bị, chiến đấu cơ và chiến hạm.
Thỏa thuận cũng là bước đi ý nghĩa trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, cũng như củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống đang bền chặt sau khi Mỹ tích cực hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ thiên tai tại Philippines.
Phát biểu trong chuyến thăm Malaysia tối 27/4, Tổng thống Obama bày tỏ mong muốn duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Ông Obama nói: “Tôi tin rằng sự hợp tác cùng nhau sẽ giúp cho châu Á Thái Bình Dương an toàn hơn. Mỹ muốn một tương lai nơi mà bất đồng được giải quyết một cách hòa bình. Tất cả các quốc gia đều có quyền bình đẳng trong luật quốc tế. Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với các nước khác như đối phó với chủ nghĩa khủng bố và cướp biển, viện trợ nhân đạo và thiên tai, giúp chúng ta phản ứng nhanh với các thảm họa xảy ra như sóng thần tại Nhật Bản hay bão tại Philippines”.
Thỏa thuận quân sự được kí kết trong bối cảnh Philippines muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của đồng minh trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Phản ứng của người dân Philippines về thỏa thuận quốc phòng song phương này có thể khá tích cực, khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy 85% người Philippines có quan điểm tốt về Mỹ.
Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines từ lâu cũng là một chủ đề khá nhạy cảm liên quan đến vấn đề chủ quyền và tự hào quốc gia.
Ngày 27/4, các nhà hoạt động Philippines đã tổ chức biểu tình tại thủ đô Manila, một ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Obama để phản đối hiệp ước quân sự này. Những người phản đối cho rằng, Hiệp định quân sự sẽ làm gia tăng sự tiếp cận của nước ngoài đối với các cơ sở quân sự, đe dọa chủ quyền của Philippines.
Một nhà hoạt động Philippines cho rằng: “Ý định thực sự của Mỹ là tăng cường hiện diện của họ bằng việc tăng thêm quân, tàu chiến và máy bay đóng quân một cách tự do trên lãnh thổ Philippines, can thiệp vào các vấn đề an ninh và nội bộ của Philippines”.