Ra mắt Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU
Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) Mỹ - EU sẽ chính thức ra mắt và nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 29/9 để thảo luận một số thách thức kinh tế và công nghệ lớn mà liên minh xuyên Đại Tây Dương đang phải đối mặt khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trên toàn cầu.
Mỹ và EU sẽ ra mắt chính thức Hội đồng Thương mại - Công nghệ chung vào ngày 29/9 tại Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: CNBC |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ tham dự cuộc họp đầu tiên của TTC tại Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ). Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gặp hai Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager và Valdis Dombrovski nhân dịp ra mắt TTC.
Theo tuyên bố chung EU - Mỹ sau thượng đỉnh hồi tháng 6 năm nay, TTC sẽ tập trung vào hai lĩnh vực công nghệ và thương mại nhằm hỗ trợ phát triển các sáng kiến mới, thiết lập tiêu chuẩn thương mại toàn cầu mới và thúc đẩy các giá trị dân chủ phương Tây trên môi trường trực tuyến.
Ngoài ra, cơ chế này sẽ tham vấn giải quyết mâu thuẫn thương mại, hợp lý hóa các thủ tục pháp lý và phát triển quy tắc chung đối với các công ty công nghệ mới nổi ở hai bên bờ Đại Tây Dương. "Châu Âu và Mỹ sẽ cùng tham gia chia sẻ lợi ích chung để đảm bảo những bên liên quan phải tuân thủ các quy tắc nhất định", một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Biden giấu tên cho biết.
Theo quan chức này, TCC sẽ tập trung hợp tác trong các lĩnh vực: an ninh chuỗi cung ứng; khí hậu và năng lượng xanh; an ninh công nghệ thông tin và cạnh tranh; quản lý dữ liệu, kiểm soát xuất khẩu; sàng lọc đầu tư và thách thức thương mại toàn cầu.
Cuộc họp cấp cao Mỹ - EU sắp tới diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden tập trung sứ mệnh gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi chấm dứt nhiệm vụ quân sự kéo dài 20 năm ở Afghanistan.
EU đặt nhiều kỳ vọng vào TTC
Phát biểu trước thềm cuộc họp đầu tiên của TTC ở thành phố Pittsburgh, Ủy viên phụ trách thương mại Valdis Dombrovskis và Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager nói rằng hội đồng này sẽ mang lại cho châu Âu nhiều ảnh hưởng hơn và đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc cho thế kỷ 21.
Ôn Dombrovskis nhấn mạnh rằng TTC có tầm quan trọng chiến lược và địa chính trị như một cách để thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc cho thế kỷ 21. Vì vậy, EU cần TTC để nâng cao vị thế của khối. Theo ông Dombrovskis, TTC chỉ tập trung vào sự hợp tác, phối hợp trên một số lĩnh vực chính sách giữa Mỹ và EU.
"Mỹ và EU cũng sẽ tìm cách điều chỉnh các chính sách và tiêu chuẩn đối với các công nghệ mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua TTC", bà Vestager - phụ trách chính sách cạnh tranh kỹ thuật số của EU cho hay.
10 nhóm công tác của Hội đồng sẽ tập trung vào các tiêu chuẩn công nghệ, công nghệ xanh, bảo mật chuỗi cung ứng, quản trị dữ liệu, kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư và các vấn đề thương mại toàn cầu, bên cạnh những lĩnh vực khác. Bà Vestager cho biết tất cả những lĩnh vực này đều rất quan trọng đối với EU.
Tuy nhiên, cuộc họp quan trọng sắp tới bị phủ bóng bởi sự tức giận của Pháp liên quan đến việc Australia hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD sau khi hợp tác với Mỹ và Anh để phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trước đó, cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden đã thông báo về quan hê đối tác an ninh tam giác mới AUKUS nhằm tăng cường và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là một phần của thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Canberra mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Cũng vì bất đồng liên quan đến AUKUS, chương trình nghị sự của cuộc họp thương mại Mỹ - EU trong tuần này có thể sẽ phải thu hẹp hơn so với kế hoạch.
Theo các quan chức EU, trong cuộc họp của các đại sứ EU hôm 27/9, Pháp chưa đồng ý với bản dự thảo kết luận cho cuộc họp đầu tiên của TTC vào ngày mai (29/9) tại Pittsburgh. Pháp trước đó muốn hoãn tổ chức cuộc họp này do không đồng ý với Mỹ về việc cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.
Nội dung chính của cuộc họp sắp tới sẽ bao gồm vấn đề đầu tư nước ngoài, kiểm soát xuất khẩu, chuỗi cung ứng chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Theo Bloomberg, dự kiến cuộc họp đầu tiên của TTC đã rút ngắn phạm vi thảo luận về chất bán dẫn, chỉ tập trung vào vấn đề nguồn cung ngắn hạn.
Dẫu vậy, ông Dombrovskis lưu ý rằng phản ứng của Pháp sẽ không khiến EU đi chệch khỏi các lợi ích lâu dài của mình. EU hy vọng sẽ tổ chức cuộc họp thứ hai vào mùa Xuân tới tại Bỉ./.