Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ - EU trước cơ hội giải quyết tranh chấp thương mại

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis cho biết, Brussels kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Mỹ sẽ đạt nhiều thỏa thuận đột phá, tiến tới chấm dứt tranh chấp thương mại và thúc đẩy quan hệ song phương.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU ở cấp lãnh đạo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/6 tại Brussels (Bỉ), sau các hội nghị thượng đỉnh của NATO và G7. Đây là hội nghị cấp cao giữa hai bên kể từ năm 2014 và được kỳ vọng trở thành cột mốc mới trong củng cố hợp tác song phương.
 Hoạt động sản xuất ống thép lớn tại Trung Quốc. Ảnh: AP
Bà Ana Paula Zacarias - Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của Bồ Đào Nha, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (EC), tin tưởng hội nghị có thể trở thành một dấu mốc quan trọng trong việc khôi phục và củng cố quan hệ đối tác giữa EU và Mỹ. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Layen.
Mỹ và EU có kế hoạch thành lập một hội đồng thương mại và công nghệ nhằm mở rộng đầu tư và ngăn ngừa các tranh chấp mới trong tương lai. Hội đồng này sẽ nỗ lực tăng cường chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, vốn đã bị thiếu hụt trầm trọng trong năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tiến những bước xa hơn trong mối quan hệ hợp tác với EU, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhà lãnh đạo Mỹ cần tìm cách giải quyết hiệu quả 4 vấn đề gồm: Các bất đồng chính trong thương mại song phương; Các khiếu nại chính đáng của châu Âu về chủ nghĩa dân tộc vaccine của Mỹ; Các đề xuất mới của EU về quản lý AI, kiểm soát nội dung trực tuyến và quản lý các công ty công nghệ vốn hóa lớn; Các sáng kiến chung về khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11, dự kiến tổ chức tại Glasgow, Scotland.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hôm 10/6 thông báo bà sẽ tới Brussels vào tuần tới và tháp tùng Tổng thống Joe Biden tham gia vào các cuộc "đàm phán căng thẳng" trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan tới máy bay, thép và nhôm.

Về phần mình, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này, Đại sứ 27 nước thành viên EU đã thảo luận về bản dự thảo xác định các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác với Mỹ. Giới chức EU kỳ vọng, hợp tác thương mại giữa Brussels và Washington sẽ đạt được những thỏa thuận mang tính đột phá trong thời gian tới. Theo đó, ngày 11/7 tới sẽ là thời điểm Mỹ và EU kết thúc vụ tranh chấp Airbus - Boeing kéo dài gần 17 năm. Sau đó, Mỹ sẽ chấm dứt áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm của EU, đồng thời EU cũng dừng áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 4 tỷ USD trước ngày 1/12.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Mỹ và EU được tổ chức trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét lại chính sách thương mại của mình, trong đó ưu tiên cho hợp tác đa phương. Kelly Ann Shaw, một cựu quan chức thương mại của chính quyền ông Trump, nhận định rằng và EU và Mỹ đang mong muốn chấm dứt cuộc chiến thuế quan "để có thể giải quyết một số thách thức của thế kỷ XXI, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc''.