Mỹ, Hàn, Nhật sắp đàm phán 3 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặc phái viên hạt nhân của Seoul sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp Nhật Bản và Mỹ tại Tokyo giữa tuần này để thảo luận về các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ họp thảo luận 3 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tại Tokyo trong tuần này.
 Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Noh Kyu-duk (giữa) chụp ảnh với người đồng cấp Mỹ Sung Kim ((bên trái) và Nhật Bản Takehiro Funakoshi,  trước khi đàm phán tại Seoul hôm 21/6/2021. Ảnh: Yonhap
Arirang News đưa tin, ngày 12/9, Đặc phái viên về vấn đề hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã lên đường tới Nhật Bản để tham gia các cuộc hội đàm 3 bên cũng như song phương với các đại diện của Mỹ và Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên. “Tôi kỳ vọng rằng những cuộc hội đàm sắp tới sẽ là bước đi hiệu quả nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông Noh Kyu-duk nói với phóng viên trước khi khởi hành đến Nhật Bản.
Trong chuyến công du kéo dài 3 ngày, Đặc phái viên Noh Kyu-duk sẽ tham dự cuộc gặp với những người đồng cấp Mỹ Sung Kim và Nhật Bản Takehiro Funakoshi.
Theo ông Noh Kyu-duk, cuộc gặp ba bên sắp tới tại Tokyo dự kiến sẽ đề cập đến các giải pháp nhằm thuyết phục Triều Tiên quay trở lại đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa. "Seoul và Washington đã và đang thực hiện những nỗ lực cần thiết thúc đẩy tiến trình này" - Đặc phái viên Hàn Quốc cho biết.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng nêu rõ: "Ba nước dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận sâu rộng nhằm thúc đẩy ổn định tình hình và sớm nối lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Theo Đặc phái viên Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được tiến trình quan trọng trong việc thảo luận về các dự án hợp tác nhân đạo cho Bình Nhưỡng.
Ông Noh Kyu-duk cũng cho biết trong cuộc riêng với người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi vào ngày 13/9, ông sẽ giải thích về các cuộc tham vấn giữa Seoul-Washington và thảo luận về quan hệ hợp tác song phương. Sau đó, ngày 14/9, ông sẽ gặp Đặc phái viên Mỹ Sung Kim. 
Dư luận hy vọng những nỗ lực ngoại giao của các đặc phái viên hạt nhân Seoul với Mỹ, Nhật Bản sẽ tìm được hướng đi mới, đủ sức thuyết phục tất cả các bên liên quan để có thể cùng trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tháng 6 vừa qua, các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng họp bàn trong cuộc họp 3 bên được tổ chức tại thủ đô Seoul.
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, dù Washington chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có thể thay đổi khi hai bên trở lại đối thoại. Trong chuyến công tác đến Seoul hồi tháng 8 vừa qua, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đã khẳng định Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ gần gũi giữa Washington và Seoul, nhằm giải quyết các vấn đề Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao, bao gồm cả trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo.
Ngay trước thềm cuộc gặp ba bên Mỹ-Hàn-Nhật, ngày 13/9, Triều Tiên thông báo phóng thử một loại tên lửa hành trình tầm xa mới vào cuối tuần qua, và coi đây là vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường năng lực quốc phòng. Tên lửa được cho đã di chuyển 1.500 km trong vòng 2 tiếng đồng hồ trước khi đánh trúng mục tiêu tại vùng biển của nước này, đánh dấu vụ phóng tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ tháng ba. Tuy nhiên, Triều Tiên chưa thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nào kể từ năm 2017. 
Trong phản ứng mới nhất, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, Tokyo lo ngại trước thông tin Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để theo dõi các diễn biến tiếp theo.
"Vụ phóng cho thấy ưu tiên phát triển quân sự của Triều Tiên, qua đó làm gia tăng mối đe dọa nhằm vào các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế", Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc quân đội Mỹ ra thông cáo ngày 13/9, khi đề cập về vụ Triều Tiên thử tên lửa hành trình tầm xa.
Giới chuyên gia nhận định loại tên lửa mới sẽ tăng cường đáng kể năng lực tiến công của Triều Tiên nhờ tầm bắn xa, khả năng lẩn tránh radar, xuyên thủng lưới phòng không và mang được đầu đạn hạt nhân. Hiện tại, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không cấm Bình Nhưỡng thử tên lửa hành trình.
Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm trung là mối đe dọa không kém tên lửa đạn đạo và là vũ khí tấn công chiến lược của Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng, các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên là một phần trong mục tiêu phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh  từ Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là đòn bẩy để Triều Tiên tạo ra các lợi thế trước khi quay trở lại những cuộc đàm phán trong tương lai với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc./. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần