Các nhà phân tích cho rằng lời thề trả đũa của Tehran có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để thực hiện.
Xung đột giữa Mỹ và Iran gia tăng trong tuần này, sau khi Iran bắn tên lửa vào 2 căn cứ có lính Mỹ trú đóng ở Iraq để trả đũa cho vụ Mỹ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ở Baghdad hôm 3/1.
Sau vụ không kích của Iran, Tổng thống Donald Trump viết trên trang Twitter: “Tất cả đều ổn!”. Sau đó, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 8/1, ông Trump nói rằng Iran có vẻ như đang muốn “xuống thang”, thậm chí còn tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phán với Tehran.
Xung đột Mỹ-Iran gia tăng sau khi Iran bắn tên lửa vào 2 căn cứ có lính Mỹ trú đóng ở Iraq để trả đũa cho vụ Mỹ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani. |
Theo ông Daniel Shapiro - cựu đại sứ Mỹ tại Israel từ năm 2011- 2017, do không có thương vong trong vụ không kích của Iran, Tổng thống Donald Trump dường như nắm lấy cơ hội để nói đó là sự kết thúc của vòng xoáy căng thẳng. "Đó là một dấu hiệu đầy hy vọng nhưng nó không có nghĩa là cuộc xung đột kết thúc" – nhà ngoại giao Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, cựu đại sứ Shapiro cảnh báo rằng sự “xuống thang” căng thẳng giữa hai bên còn rất "mong manh".
Ông Shapiro nhận định rằng phản ứng của Tehran liên quan đến cái chết của tướng Soleimani nhiều khả năng sẽ diễn ra trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trong bối cảnh Iran có một mạng lưới có khả năng tấn công các mục tiêu của Mỹ và Israel tại Trung Đông. "Chúng ta không nên tin rằng tất cả mọi việc đã hoàn toàn kết thúc" - cựu Đại sứ Mỹ cảnh báo:
Trong khi đó, theo Reuters, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, hôm 8/1 nhận định rằng hiện còn quá sớm để xác định liệu Iran có xem vụ tấn công vào các mục tiêu của Mỹ vừa qua là nhiệm vụ chưa hoàn thành do không gây thương vong hay không.
Tướng Milley cũng nói rằng ông và các vị khác trong quân đội Mỹ sẵn sàng chuẩn bị đối phó việc các nhóm dân quân Shiite ở Iraq do Iran hậu thuẫn thực hiện các vụ tấn công chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria.
Trên thực tế, sau vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào 2 căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq hôm 8/1, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố rằng "hành động quân sự như vậy là không đủ".
Cũng có đánh giá hoài nghi, nhà nghiên cứu Heather Williams của tập đoàn Rand Corporation, nói rằng còn một "chặng đường dài và gập ghềnh phía trước".
Theo bà Williams, Iran có thể chưa hoàn toàn chấm dứt việc trả đũa của mình... Đó chỉ là dấu hiệu của phản ứng mang tính biểu tượng. "Có thể là người Iran vẫn còn nhiều hành động hơn nữa, có điều không phải là trong tương lai rất gần" - chuyên gia Williams cho hay.
Iran hôm 8/1 đã bắn tên lửa vào 2 căn cứ có lính Mỹ trú đóng ở Iraq để trả đũa cho vụ Mỹ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani. |
“Trong khi cả Iran lẫn Tổng thống Trump đều có những lời lẽ rất cứng rắn nhưng cả hai bên đều cho thấy họ muốn xuống thang, có lẽ họ sẽ hướng đến hành động nhiều hơn trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế”, chuyên gia Lincoln Bloomfield, chủ tịch danh dự Trung tâm Stimson (nghiên cứu về chính sách), nhận định.
Ông Bloomfield lý giải thêm: "Cả hai bên cần phải giữ thể diện - Iran cần cho người dân của họ thấy họ đã hành động đáp trả sau khi mất đi vị tướng, nhưng họ đã làm điều đó bằng một cách không kích động chiến tranh. Tôi nghĩ Tổng thống Trump đã nổi tiếng, vì vậy ông cũng không muốn chiến tranh"./.