Tuyên bố trên được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 2/9 trong một loạt quyết định nằm trong kế hoạch chuẩn bị rút khỏi tổ chức này, dự kiến có hiệu lực từ ngày 6/7/2021.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 2/9 cho biết Mỹ không trả hơn 60 triệu USD còn nợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). |
Theo một quan chức Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Trump hôm 2/9 cho biết, Mỹ không trả hơn 60 triệu USD còn nợ WHO trong năm nay và gần 20 triệu USD của năm 2029 và sẽ sử dụng số tiền này để đóng góp cho Liên Hợp quốc.
Ông Nerissa Cook - Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Các Tổ chức Quốc tế cho biết, Washington hiện nợ WHO khoảng 18 triệu USD trong năm tài chính 2019 và 62 triệu USD của năm 2020.
Được biết, quyết định giữ lại các khoản phí còn "nợ" WHO năm 2020 là một phần trong quyết định của Tổng thống Trump về việc rút khỏi tổ chức này vì cách xử lý đại dịch Covid-19 và cáo buộc cơ quan này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.
“Quan điểm của Nhà Trắng là WHO cần phải cải cách và điều đó bắt đầu bằng việc chứng tỏ sự độc lập trong mọi quyết định của tổ chức chức này” - ông Nerissa Cook nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Cook cũng nói rằng Mỹ vẫn có thể xem xét lại quyết định rút khỏi WHO nếu chính quyền Washington nhận thấy rằng tổ chức này đã thực hiện đủ các cải cách.
Phản ứng với động thái mới nhất của Mỹ, người phát ngôn của WHO ngày 3/9 cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định quan điểm trước đây rằng WHO rất tiếc về quyết định rút khỏi tổ chức này của chính phủ Mỹ. Chúng tôi đang chờ các thông tin chi tiết khác và sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng”.
Việc giữ lại số tiền đóng góp cho WHO trong năm 2020 là một phần trong quyết định của Tổng thống Trump khi tuyên bố rút Mỹ khỏi tổ chức này do bất đồng về cách kiểm soát đại dịch Covid-19 cũng như những cáo buộc của ông cho rằng tổ chức này chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hồi tháng 7 vừa qua, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO, có hiệu lực từ tháng 7/2021. Ở thời điểm tuyên bố, Mỹ đã giải ngân 52 triệu USD trong tổng số 120 triệu USD đóng góp cho WHO trong năm 2020. Số tiền còn lại là 62 triệu USD. Theo luật của Mỹ, tất cả các khoản tiền nợ cần phải được thanh toán hết trước khi Mỹ rút hoàn toàn khỏi các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, tiến sĩ Alma Golden, trợ lý về y tế toàn cầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, cho biết chính phủ sẽ vẫn có khoản giải ngân đóng góp một lần trị giá 68 triệu USD cho WHO để hỗ trợ y tế ở Libya và Syria, nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt tại Afghanistan và Pakistan cùng các nỗ lực chống lại dịch cúm.
Tiết lộ mới nhất được đưa ra sau quyết định của chính quyền ông Trump về việc không tham gia vào Cơ sở tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu" (Covax) - kế hoạch được WHO cùng tổ chức Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng Đối phó Dịch bệnh và Liên minh vaccine Gavi đồng khởi xướng và dẫn đầu, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và thử nghiệm vaccine.
Mỹ hôm 1/9 thông báo sẽ không tham gia dự án phát triển và phân phối vaccine Covid-19 do WHO điều hành. |
Tháng trước, WHO thông báo đã có hơn 170 quốc gia đang đàm phán để tham gia kế hoạch này.
Trước đó, trong một động thái bị các chuyên gia y tế chỉ trích, chính quyền của ông Trump hồi tháng 5 tuyên bố rút khỏi WHO và cắt nguồn tài trợ cho tổ chức này. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp tới 450 triệu USD hội phí.
Các chuyên gia y tế nhận định, việc Mỹ từ chối tham gia vào Covax có nghĩa rằng Mỹ đang đánh cược vào hiệu quả của việc tự phát triển vaccine và khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự, vốn có thể dẫn đến việc tích trữ vaccine và nâng giá thành sản phẩm.
Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển ở Geneva, nói với Washington Post rằng việc Mỹ không tham gia vào sáng kiến này là một “đòn giáng thực sự” đối với nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo vaccine cho người dân./.