Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ lên tiếng bảo vệ Hiệp ước AUKUS

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Bonnie Denise Jenkins khẳng định, khuôn khổ hợp tác trong Hiệp ước AUKUS giúp tăng cường đảm bảo an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và không đe dọa an ninh đối với bất kỳ quốc gia nào.

AUKUS được thành lập vào năm 2021 gồm Mỹ, Anh và Australia. Ảnh: Saednews
AUKUS được thành lập vào năm 2021 gồm Mỹ, Anh và Australia. Ảnh: Saednews

Đài CNBC ngày 23/4 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách lĩnh vực kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Bonnie Denise Jenkins cho biết, Hiệp ước quốc phòng và an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ - được gọi là AUKUS thành lập vào năm 2021 - sẽ không dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một phần của hiệp ước này là Washington và London phải hỗ trợ Canberra xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân.

Quan chức ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Anh và Mỹ đang giúp Australia phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được phép sử dụng theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Do đó, Australia sẽ không trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Thứ trưởng Bonnie Denise Jenkins nhấn mạnh, khuôn khổ hợp tác của AUKUS chỉ nhằm mục đích tăng cường sự ổn định trong khu vực và không gây ra bất kỳ rủi ro nào. “Có một số thông tin không chính xác về mục đích của Hiệp ước AUKUS cũng như các hoạt động của liên minh này” - bà Jenkins cho hay.

Theo Thứ trưởng Jenkins, các nước trong liên minh AUKUS sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế để đảm bảo rằng chương trình xây dựng tàu ngầm hạt nhân không vi phạm NPT.

Đề cập đến khả năng AUKUS sẽ có thêm thành viên mới, Thứ trưởng Jenkins nói rằng hiện liên minh chưa có mốc thời gian cụ thể về việc kết nạp Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Trước đó, hôm 8/4 vừa qua, các bộ trưởng Quốc phòng AUKUS đã bắt đầu đàm phán về việc kết nạp Nhật Bản vào liên minh này.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra, liên minh này nhấn mạnh: “Với sức mạnh của Nhật Bản cũng như sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ của Nhật Bản với từng quốc gia thuộc liên minh, AUKUS đang xem xét hợp tác với nước này trong trụ cột thứ hai”.

Theo đó, AUKUS dự kiến sẽ hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực như phát triển điện toán lượng tử, vũ khí siêu thanh, trí tuệ nhân tạo và công nghệ mạng. Việc kết nạp thêm thành viên mới có thể sẽ giúp hoạt động hợp tác của AUKUS rộng hơn trước.

Trong một tuyên bố gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Để đạt được mục tiêu xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác nhiều hơn với Mỹ, Vương quốc Anh và Australia - những đối tác quan trọng về an ninh và quốc phòng”.

Trung Quốc cảnh báo thỏa thuận AUKUS gây nguy cơ phổ biến hạt nhân

Bắc Kinh mới đây chỉ trích các đối tác trong thỏa thuận an ninh AUKUS kích động chia rẽ và làm tăng nguy cơ phổ biến hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters

Trong chuyến thăm Papua New Guinea ngày 20/4 để củng cố mối quan hệ song phương, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia "đi ngược" Hiệp ước Nam Thái Bình Dương về cấm vũ khí hạt nhân trong khu vực, còn được gọi là Hiệp ước Rarotonga.

“AUKUS cũng làm tăng nguy cơ phổ biến hạt nhân một cách nghiêm trọng" - Ngoại trưởng Vương Nghị nói với phóng viên sau khi gặp Ngoại trưởng Papua New Guinea Justin Tkatchenko.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, nỗ lực mở rộng thành viên của liên minh AUKUS hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu cấp thiết của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố, các cường quốc phương Tây trong liên minh AUKUS đang kích động sự chia rẽ  và làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết: “Thông qua Hiệp ước AUKUS, Mỹ đang thúc đẩy quyết tâm phát triển tàu ngầm hạt nhân tại khu vực Nam Thái Bình Dương, vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Rarotonga”.