Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ miễn áp lệnh trừng phạt với nhà thầu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ban đầu nhằm vào công ty Nord Stream 2 AG và giám đốc điều hành Matthias Warnig là vì "các lợi ích quốc gia của Mỹ".

Ngày 19/5, trong báo cáo của Bộ Ngoại giao trình lên Quốc hội Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden thông báo việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức.
 Mỹ miễn áp lệnh trừng phạt với Nord Stream 2 AG - nhà thầu Dòng chảy Phương Bắc 2. Ảnh: AP
Trước đó, tờ Bloomberg đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ miễn trừ những biện pháp trừng phạt ban đầu đối với các công ty tham gia xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 vì lý do an ninh quốc gia.
Ngày 19/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận rằng Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ban đầu nhằm vào công ty Nord Stream 2 AG – nhà thầu chính của Dòng chảy Phương Bắc 2, và giám đốc điều hành Matthias Warnig là vì "các lợi ích quốc gia của Mỹ".
Ông Blinken cũng khẳng định rằng 4 tàu có tên trong báo cáo của Bộ Ngoại giao trình lên Quốc hội liên quan đến việc xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn sẽ phải chịu lệnh trừng phạt, cùng với 9 tàu bổ sung thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Cơ quan Cứu hộ Hàng hải thuộc Viện Ngân sách Nhà nước Liên bang Nga.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 19/5, Ngoại trưởng Blineken nói rằng Washigton sẽ "tiếp tục phản đối việc hoàn thành tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc - dự án sẽ làm suy yếu an ninh năng lượng của châu Âu, Ukraine và các nước NATO”.
Động thái trên diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo các tổ chức liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc phải ngay lập tức rút khỏi dự án này.
Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại rằng, dự án này sẽ khiến Đức và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, EU và đặc biệt là Đức, đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ Dòng chảy Phương Bắc 2, bất chấp các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra nhằm vào dự án này. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel lập luận rằng dự án trị giá gần 12 tỷ USD này giúp đảm bảo nguồn cung nhiên liệu ổn định và sạch hơn, trong bối cảnh Đức đang muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu hạt nhân. Nhiều nhân vật chính trị Đức lên án lệnh trừng phạt, cho rằng Washington không phải là người đưa ra quyết định về an ninh năng lượng của châu Âu.
Moscow coi các biện pháp đối phó với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là ví dụ điển hình về cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời khẳng định nó hoàn toàn là một dự án kinh tế.
Gazprom, công ty năng lượng nhà nước của Nga chịu trách nhiệm tài trợ cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và các đối tác phương Tây đang chạy đua để hoàn tất dự án. Hiện dự án đã xong khoảng 95% khối lượng xây lắp./.