Nhóm PBP được thành lập vào tháng 6/2022, bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh. Điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell cho biết, Ấn Độ và một số quốc gia khác cũng sẽ tham dự sự kiện lần này với tư cách quan sát viên.
Theo ông Campbell, cuộc gặp của PBP diễn ra trong bối cảnh "tồi tệ hơn rất nhiều" so với trước đây đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương. "Sinh kế của họ đang bị đe dọa" - ông Campbell phát biểu tại một sự kiện ở New York, chỉ ra mối đe dọa "hiện hữu" mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đối với thương mại và doanh thu du lịch.
"Phần lớn hỗ trợ ở Thái Bình Dương không được điều phối tốt như tiềm lực. Chúng tôi sẽ tìm cách thực hiện điều đó khi cùng nhau làm việc, dựa trên các thể chế hiện có và các cam kết của Thái Bình Dương".
Đáng chú ý, ông Campbell nói rằng có một "yếu tố chiến lược không thể phủ nhận" đối với cam kết tăng cường. "Trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến một Trung Quốc tham vọng hơn tìm cách phát triển dấu chân quân sự, tương tự ở Ấn Độ Dương... Điều này đã gây ra một số lo lắng với các đối tác như Australia và New Zealand, thậm chí cả các quốc gia lân cận" - Điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho cũng dự kiến tổ chức thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York. Động thái được ông Campbell mô tả là đã phản ánh "rõ ràng cam kết lớn hơn của Mỹ đối với Thái Bình Dương trong tương lai".
Vị quan chức này cho biết Washington không muốn thấy khu vực rơi vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, đồng thời mong đợi các cuộc trò chuyện với Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và phái đoàn của ông.
Cuộc cạnh tranh giữa 2 siêu cường để giành ảnh hưởng ở các đảo ở Thái Bình Dương đã gia tăng trong năm nay sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon, làm gia tăng các cảnh báo về việc quân sự hóa khu vực này.