KTĐT - Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nhiều hãng công nghệ cao từ Mỹ - vốn nổi tiếng về công nghệ robot điều khiển từ xa - muốn tham gia vào công tác hỗ trợ Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn này.
Trong cuộc ganh đua này, những con robot tham gia cuộc chiến tranh Iraq đã vào cuộc. Tuy hiệu quả hoạt động của robot quân đội tại hiện trường có tính đặc thù như sự cố hạt nhân vẫn còn là một ẩn số nhưng giới chuyên gia ngày càng kỳ vọng vào hoạt động của robot.
“Chính phủ Nhật Bản đang tìm kiếm robot và những cỗ máy không người lái từ thế giới.” Thông điệp ngắn gọn trên trang chủ của Hiệp hội Hệ thống thiết bị không người lái (AUVSI) có trụ sở ở bang Virginia (Mỹ) đăng ngày 22/3 đã thu hút sự chú ý của các công ty thành viên của AUVSI. AUVSI là tổ chức lớn nhất thế giới quy tụ hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 55 quốc gia tham gia vào lĩnh vực phát triển và chế tạo robot.
Theo hiệp hội này, sau sự cố hạt nhân vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thỉnh cầu Bộ Ngoại giao Mỹ can thiệp nhờ nước này chi viện robot và máy móc không người lái. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 công ty vào cuộc song hoạt động của AUVSI vẫn đang ở giai đoạn đầu và hứa hẹn mang lại nhiều hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản.
Trong số ba công ty tham gia hỗ trợ, Công ty Kinetic có trụ sở ở Bắc Mỹ đã cung cấp cho Công ty Điện lực Nhật Bản (TEPCO) robot điều khiển từ xa Roader được trang bị hai cánh tay dài. Robot sở hữu tới 7 camera trước mặt và sau lưng cùng một camera hồng ngoại để dò la hiện trường. Robot này có thể thực hiện nhiều chức năng với các thiết bị như cưa điện, xẻng (trên cánh tay) và máy nghiền đá.
Công ty Kinetic - đối tác mật thiết với Bộ Quốc phòng Mỹ - đã phái sang Nhật hai loại robot quân sự chạy trên mọi địa hình có tên Talon và Dragon Runner.
Là robot tiên phong của quân đội Mỹ, Talon có nhiều tính năng vượt trội như phát hiện và xử lý các vật liệu nổ trên đường đi và đã từng tham gia tác chiến ở Iraq và Afghanistan. Lần này, Talon còn được trang bị thêm máy đo siêu nhạy nồng độ chất phóng xạ và camera chạy trong bóng đêm.
Trong khi đó, Dragon là loại robot có kích thước nhỏ được phát triển nhằm phục vụ cho hải quân Mỹ với nhiệm vụ kiểm tra các vật đáng ngờ dưới gầm xe hoặc trinh sát trong các khu nhà khả nghi. Tại Fukushima, Dragon sẽ len lỏi và nhà máy điện để xác định tình trạng thiệt hại cụ thể trong điều kiện nồng độ phóng xạ đang ở mức rất cao.
Việc phát triển robot điều khiển từ xa vốn để phục vụ cho hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ, nhưng ngay sau sự cố hạt nhân, các quan chức tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày càng hy vọng rằng: “Lần này là nhiệm vụ nguy hiểm trên thực địa. Nếu robot và các cỗ máy không người lái có khả năng tác nghiệp từ xa tham gia nhiệm vụ này thì sẽ giảm bớt những nguy cơ đối với con người.”
Theo AUVSI, nội dung Chính phủ Nhật Bản cầu viện bao gồm 3 điểm. Một là, cung cấp robot mang vác. Hai là, robot kích cỡ nhỏ có thể thâm nhập sâu vào nhà máy điện để thu thập dữ liệu chi tiết về tình trạng thiệt hại. Ba là, máy bay trực thăng và xe tải không người lái có khả năng thao tác từ xa giúp vận chuyển vật liệu và thiết bị tại khu vực bị ô nhiễm phóng xạ.
Theo đánh giá của Nhà nghiên cứu Peter Singer thuộc Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) về sự phát triển của robot quân sự trên thế giới, nhiều công ty Mỹ đang cung cấp công nghệ và ý tưởng cho dự án chi viện chưa từng có này. Ông Singer cho biết vì đây là sự cố hiếm gặp nên mọi phương án đưa ra đều được cân nhắc kỹ lưỡng.
Trả lời phỏng vấn trên mạng tin Asahi Shimbun, ông Singer cho biết: “Giới chuyên môn đang thử nghiệm cách robot tác nghiệp trên thực địa. Công nghệ là thứ khó phân biệt được thiện và ác. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật sẽ đem lại hệ quả ra sao chính là vì nhân loại sử dụng công nghệ đó cho mục đích gì.” Điều khác biệt lớn nhất trong nhiệm vụ lần này của Talon và Dragon lại chính là ý nghĩa nhân văn của hoạt động tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Tính đến nay, Nhật Bản mới phái được một robot bản địa tới địa bàn Fukushima có tên robot phòng tai tích hợp camera và máy đo bức xạ. Năm 2000, Trung tâm Công nghệ An toàn Hạt nhân Nhật Bản đã đầu tư gần 200 triệu yen để phát triển loại robot này. Từ trước đến nay, robot phòng tai mới chỉ tập huấn phòng tai nên đây được coi là nhiệm vụ đầu tiên của nó. Vài ngày sau động đất, robot đã được cử đến TEPCO làm nhiệm vụ. Trung tâm này cho biết thông thường, thông tin liên quan đến việc sử dụng robot vào nhiệm vụ cụ thể không được công khai.
Nhật Bản - nước tiên tiến về công nghệ người máy - cũng phát triển được các robot chuyên dụng tham gia đối phó với sự cố tại lò phản ứng hạt nhân. Ngoài Trung tâm Công nghệ an toàn hạt nhân, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Nhật Bản (hiện là Cơ quan Nghiên cứu phát triển năng lượng nguyên tử Nhật Bản), cũng phát triển 5 robot có khả năng làm việc tại khu vực ô nhiễm phóng xạ sau sự cố JCO tại làng Tokai, tỉnh Ibaraki.
Tuy nhiên, trung tâm này hiện vẫn chưa cử robot tới Fukushima với lý do chưa xây dựng kế hoạch duy trì và bảo quản robot cũng như chi phí liên quan cho hoạt động này./.