Hai ngày sau vụ tấn công sinh học tại Syria, chính quyền Mỹ hôm 6/4 (giờ địa phương) đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một số mục tiêu ở căn cứ quân sự Shayrat của Syria tại tỉnh Homs. Đợt phóng tên lửa hành trình không chỉ nhằm “cảnh cáo” Damascus mà còn mang theo nhiều thông điệp tới các quốc gia khác.
Phản ứng trước hành động bắn tên lửa của Mỹ, phía Nga khẳng định đây là hành vi vi phạm các chuẩn mực quốc tế và dựa trên cái cớ tự biên, trong khi Syria lên án hành động của Mỹ là "gây hấn" và cho biết đã có "tổn thất". Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, căn cứ bị phá hủy gần như hoàn toàn và có 4 binh sĩ thiệt mạng. Thông điệp trực tiếp từ hành động quân sự bất ngờ của Mỹ trước hết nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Assad, rằng Washington sẽ không tha thứ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở Syria. Với mục tiêu răn đe này, nhiều khả năng đây là đợt tấn công duy nhất của Mỹ nhằm vào lực lượng Syria trong tương lai gần. Tuy nhiên, hành động của Mỹ cũng cho thấy khả năng nước này phải dấn sâu hơn nữa nếu lực lượng Syria phớt lờ thông điệp cảnh báo và tiếp tục tiến hành các hành động mà phía Washingon cho là “không thể dung thứ”.
Thông điệp này không chỉ đơn thuần gửi đến Syria mà cả các quốc gia và lực lượng được xem là đồng minh của ông Assad như Nga hay Iran. Tín hiệu dành cho Moscow là Mỹ sẽ không ngại ra tay ngay cả khi hành động đó có nguy cơ xung đột trực tiếp với một cường quốc hạt nhân. Động thái này còn được cho là để trấn an các đồng minh ở châu Âu vốn đang thấp thỏm vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngoài bối cảnh liên quan đến cuộc chiến Syria, quyết định của Tổng thống Trump nhiều khả năng còn ẩn chứa nhiều thông điệp khác, đặc biệt khi chính quyền của ông đang đối mặt với thách thức an ninh ở nhiều nơi trên thế giới.
Thông điệp ẩn chứa nhằm thông báo Washington giờ không muốn duy trì “chiến lược kiên nhẫn” như chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Mỹ từ lúc này sẽ hành động thay vì lời nói đặc biệt trong vấn đề nổi cộm hiện nay là cuộc chạy đua vũ trang của CHDCND Triều Tiên. Tương tự Triều Tiên là Iran, một quốc gia mà chính quyền Tổng thống Trump vẫn nghi ngờ, liên quan đến nỗ lực phát triển hạt nhân của Tehran trước đây. Mục tiêu phát thông điệp tiếp theo là Trung Quốc, quốc gia bị Washington cho là chưa nỗ lực đủ để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cũng như áp lực Mỹ gây với Nga về Syria, tín hiệu gửi đến Bắc Kinh là Mỹ không ngại và sẵn sàng hành động đơn phương với bất kỳ vấn đề gì bị cho là đe dọa an ninh và lợi ích Mỹ. Thông điệp cũng mang tính trấn an đối với các đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, các nước nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cuộc tấn công diễn ra đồng thời điểm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với mục đích nhằm định hướng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, cũng như giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc giữa Washington và Bắc Kinh. Do đó, thông điệp quan trọng không kém được gửi đến cho ông Tập Cận Bình là quyết tâm của Mỹ trong vấn đề động chạm đến lợi ích khác là các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông, rằng Mỹ sẽ không ngồi yên nếu các quyền tự do hàng không và hàng hải ở các vùng biển này bị đe dọa, thậm chí nếu phải hành động trong thời gian ngắn.