Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ rút bớt quân khỏi Đức: Đòn cũ ở thời điểm mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo chí ở Mỹ đưa tin quan chức Chính phủ Mỹ xác nhận Tổng thống nước này Donald Trump đã quyết định rút một phần quân đội Mỹ hiện đang được triển khai ở nước Đức ra khỏi thành viên này của NATO.

Theo số liệu được NATO công bố, hiện có khoảng 34.500 binh lính Mỹ được triển khai trên lãnh thổ nước Đức cùng với khí tài quân sự và cả vũ khí hạt nhân ở nhiều căn cứ quân sự khác nhau. Phía Mỹ cho biết, ông Trump dự định rút 9.500 binh lính Mỹ từ Đức để triển khai ở nơi khác hoặc về Mỹ, đặt ra giới hạn là không để có nhiều hơn 25.000 binh lính Mỹ trên lãnh thổ nước Đức.

Binh sỹ quân đội Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự hiện diện trực tiếp và thường xuyên của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước Đức không chỉ đơn thuần dựa trên cơ sở thỏa thuận song phương giữa hai nước mà còn là bộ phận quan trọng trong triển khai chiến lược của NATO từ thời còn chiến tranh lạnh đến nay.
Nói theo cách khác, việc Mỹ tăng hay giảm số binh lính và vũ khí hạt nhân cũng như đóng hay mở căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước Đức vừa là chuyện riêng giữa Mỹ và Đức, vừa là chuyện chiến lược chung của cả NATO.
Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, ông Trump đã từng dọa sẽ rút bớt số quân Mỹ ở nước Đức và đồng thời tuyên bố sẵn sàng triển khai binh lính Mỹ tại một số nước thành viên khác của NATO ở châu Âu, đặc biệt ở Ba Lan và Rumani hay 3 nước vùng Bantic. Những thành viên NATO này đều muốn Mỹ hiện diện quân sự trực tiếp trên lãnh thổ của họ để dựa vào Mỹ mà tăng vị thế trong EU và NATO và để có con chủ bài cho xử lý quan hệ của họ với Nga. Họ đều thuộc diện "thành viên mới" của EU và NATO, chủ trương dùng việc gây dựng mối quan hệ đặc biệt thân thiết và tin cậy với Mỹ để có thể làm găng với Nga và để khắc phục tình trạng bị lép vế trong EU và NATO trước những "thành viên cũ" của cả hai liên minh này.
Vì thế, chỉ cần Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp ở các nước này chứ chưa nói đến việc rút quân lính Mỹ ra khỏi nước Đức để triển khai ở các nước kia cũng đã đủ để tạo nên hiệu ứng "bên trọng, bên khinh", khiến nội bộ EU và NATO thêm bị phân hóa, cả hai liên minh bị suy yếu và áp lực đối với các "thành viên cũ" kia thêm gia tăng.
Quân đội Mỹ đóng trên lãnh thổ Đức không nhằm bảo vệ an ninh cho nước Đức mà phục vụ trước hết cho hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Âu và trên thế giới cũng như đảm bảo cho sức mạnh và hoạt động quân sự chung của NATO. Nước Đức có được từ đấy 3 cái lợi lớn với ý nghĩa chiến lược lâu dài là chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong NATO và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người Đức phục vụ cho quân đội Mỹ ở Đức. Vì 3 cái lợi này mà phía Đức không muốn Mỹ giảm bớt, càng không muốn Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự trực tiếp trên lãnh thổ Đức.
Khi trước, ông Trump dọa rút quân đội Mỹ ra khỏi nước Đức vì muốn ép buộc Chính phủ Đức phải tăng mức chi phí ngân sách quốc phòng hàng năm, ít nhất thì cũng đến mức bằng 2% GDP như các nước thành viên NATO đã thỏa thuận với nhau từ năm 2014. Ông Trump không mặn mà với việc dùng vai trò chính trong NATO để gây dựng và duy trì vai trò lãnh đạo khối Phương Tây.
Trên phương diện này, khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" được ông Trump hiểu và thực thi theo hướng các nước thành viên NATO phải trả giá cao hơn cho Mỹ để được Mỹ bảo hộ an ninh, trong khuôn khổ song phương hay thông qua NATO. Chiêu thức này đã giúp ông Trump có được thành quả nhất định khi tất cả các nước thành viên NATO cho đến nay đều đã tăng mức độ chi ngân sách quân sự và quốc phòng.
Ông Trump chơi lại đòn cũ này với nước Đức trước hết nhằm mục đích nói trên vì phía Đức hiện còn cách xa mức độ 2% GDP dành cho ngân sách quân sự và quốc phòng như đã được thỏa thuận chung trong NATO. Nhưng cũng còn cả vì một lý do khác nữa.
Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rất nhanh chóng và là khách mời đầu tiên từ chối lời mời của ông Trump sang Mỹ dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra khiến cho việc đi lại và tổ chức sự kiện gặp khó khăn và rủi ro. Nhưng từ chối lời mời thẳng thừng gần như ngay lập tức như thế, bà Merkel đâu có khác gì vuốt mặt chẳng nể mũi ông Trump. Mà người này hiện cần giữ thể diện và đề cao uy danh hơn bao giờ hết để duy trì cơ may được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ. Ông Trump cũng còn đâu có mối quan hệ cá nhân thân thiết và tin cậy với bà Merkel.
NATO và Chính phủ Đức rồi đây sẽ tìm mọi cách để thuyết phục ông Trump không thực hiện quyết sách nói trên, hoặc ít nhất thì cũng không thực hiện ngay. Sâu thẳm ở đâu đó phía sau chắc chắn có cả ước vọng cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử kia. Nếu đắc cử Tổng thống Mỹ và lên cầm quyền, ông Biden chắc chắn sẽ không như ông Trump trong chính sách đối với NATO và nước Đức.