Giá dầu trong phiên giao dịch này đã tăng mạnh, vượt mức 74 USD/thùng do các nhà giao dịch dầu lo ngại nguồn cung dầu toàn cầu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn gia tăng áp lực đối với ngành dầu mỏ Iran.
Tờ Washington Post hôm 21/4 đưa tin Mỹ chuẩn bị thông báo trong ngày 22/4 rằng 8 quốc gia hiện mua dầu của Iran sẽ không được miễn trừ các lệnh trừng phạt. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thông báo, kể từ ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp quyền miễn trừ cho bất kỳ nước nào hiện đang nhập dầu thô hay khí ngưng tụ của Iran.
Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.
Tuy nhiên, nhằm tránh thị trường năng lượng biến động và đẩy giá dầu tăng cao, Mỹ cũng đã miễn trừng phạt trong vòng 180 ngày đối với 8 nền kinh tế nhập khẩu dầu thô của Iran, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp. Lệnh miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia trên được tiếp tục mua dầu của Tehrran sẽ kết thúc vào ngày 2/5.
Nhà phân tích Olivier Jakob tại Petromatrix nhận định: “Việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừng phạt đối với 8 nước mua dầu của Iran chắc chắn khiến nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng. Động thái này là một bất ngờ đẩy giá dầu tiếp tục đi lên”.
Cụ thể, giá dầu Brent trong phiên 22/4 nhích 1,94 USD, tương đương 3,3% lên 74,31 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/11/2018. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng tới 1,51 USD, tương đương 2,9%, lên 65,87 USD/thùng, chạm đỉnh kể từ ngày 31/10/2018.
Han Tan - Nhà phân tích thuộc hãng môi giới FXTM, Han Tan, cho rằng nếu việc miễn trừ trừng phạt được dỡ bỏ, giá dầu có thể lên tới 80 USD/thùng. Trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt trở lại, Iran là nước sản xuất lớn thứ tư trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sản lượng gần 3 triệu thùng/ngày, nhưng xuất khẩu dầu trong tháng Tư của nước này đã giảm mạnh xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, theo phân tích của Refinitiv.
Việc bỏ miễn trừ trừng phạt sẽ làm giảm nguồn cung dầu trên thị trường vốn đã bị thắt chặt do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và nước thành viên khác của OPEC là Venezuela.
Thêm vào đó, OPEC cùng với các nước sản xuất khác trên toàn cầu đã thực hiện việc cắt giảm sản lượng từ đầu năm nay nhằm thắt chặt thị trường và đẩy giá dầu lên. Nhờ đó, giá dầu Brent tăng hơn 1/3 trong năm nay, trong khi giá dầu WTI tăng 40%. Trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt trở lại, Iran - nước sản xuất lớn thứ 4 trong OPEC, với sản lượng gần 3 triệu thùng/ngày, nhưng xuất khẩu dầu trong tháng 4 của nước này đã giảm mạnh xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, theo phân tích của Refinitiv.