Mỹ sẽ ngừng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng ngày 2/10 nhắc lại cam kết hỗ trợ Ukraine, mặc dù Quốc hội Mỹ trước đó đã thông qua dự luật tài trợ tạm thời của Chính phủ, trong đó loại bỏ bất cứ khoản tiền mặt mới nào cho Ukraine trong ngắn hạn.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, các quan chức Mỹ đã liên lạc với các đồng minh về việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine. Bà Jean-Pierre phủ nhận những ý kiến ​​cho rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine đang ngày càng mệt mỏi vì chiến tranh.

"Có một liên minh quốc tế rất mạnh đằng sau Ukraine" - Thư ký báo chí Nhà Trắng nói hôm 2/10 - "Vì vậy, chúng tôi sẽ sớm có một gói viện trợ khác cho Ukraine để thể hiện sự hỗ trợ liên tục của Mỹ đối với những người dân Ukraine dũng cảm".

Bà Jean-Pierre cho biết hiện vẫn có đủ kinh phí để đáp ứng nhu cầu trên chiến trường "trong một thời gian nữa". Nhưng vẫn chưa rõ khi nào Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra luật cho phép bơm thêm tiền cho Ukraine, trong khi cuộc tranh luận về bất kỳ biện pháp nào có thể mất vài tuần.

Diễn biến này xảy ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Washington -  chuyến đi thời chiến nhằm huy động thêm viện trợ cho Kiev. Kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mỹ đã phê duyệt khoảng 113 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho quốc gia châu Âu.

Cùng ngày, giám đốc tài chính Lầu Năm Góc Michael McCord cảnh báo các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện rằng Quốc hội hiện chỉ còn 1,6 tỷ USD trong số 25,9 tỷ USD để bổ sung cho kho quân sự của Mỹ đang chảy sang Ukraine.

Viện trợ quân sự của Mỹ cho đến nay đã đạt tổng trị giá 43,9 tỷ USD về vũ khí, bao gồm các hệ thống cao cấp như tổ hợp phòng không Patriot và xe tăng Abrams; gần 200 hệ thống bắn lựu pháo 155mm; và hơn 2 triệu viên đạn 155mm. Tất cả đều được coi là yếu tố trọng yếu đối với triển vọng chiến thắng của Ukraine.

Nhưng khi chiến tranh kéo dài, ý tưởng về việc cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine, đặc biệt là trong phe cánh hữu của Đảng Cộng hòa, ngày càng  dâng cao.

Hôm 30/9, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật tạm thời vào phút cuối để tránh việc chính phủ phải đóng cửa. Động thái đã cho phép gia hạn nguồn tài chính cho Washington trong 45 ngày, nhưng dự luật không bao gồm khoản kinh phí mới đối với viện trợ Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/10 cũng đã kêu gọi Quốc hội tăng cường tài trợ hỗ trợ an ninh, cho rằng đây là vấn đề an ninh quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với báo giới: "Mặc dù trước mắt Mỹ vẫn có khả năng tiếp tục hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine, nhưng chúng tôi đã cạn kiệt phần lớn nguồn tài trợ hỗ trợ an ninh hiện có".

Trước đó 1 ngày, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội ủng hộ dự luật viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine, đồng thời tìm cách trấn an rằng vẫn có sự ủng hộ "áp đảo" của lưỡng đảng về vấn đề này. Ông Biden nói: "Tôi hy vọng những người bạn của tôi ở phía bên kia Quốc hội giữ lời hứa về việc hỗ trợ Ukraine".