Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 5/2019, lượng dầu thô của Nga nhập khẩu sang Mỹ đã lên mức 5 triệu thùng, trong khi các nhà máy lọc dầu của nước này chỉ phải nhập khẩu tổng cộng 7,5 triệu thùng trong cả năm 2018.
Tờ Bloomberg trích dẫn báo cáo từ Russ Dallen cho biết, Mỹ đang đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu thô từ Nga, với tổng số 13 tàu chở dầu tương đương khoảng 5 triệu thùng dầu thô tính từ đầu năm đến giữa tháng này trong bối cảnh sản xuất dầu thô của Venezuela sụt giảm nghiêm trọng do lệnh trừng phạt của Washington.
Theo Bloomberg, Mỹ sẽ tiếp tục phải tăng mạnh lượng dầu nhập khẩu từ Nga và các nhà máy lọc dầu của Mỹ được dự báo sẽ phải tăng gấp 3 lần lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga giữa bối cảnh Washington đang áp lệnh trừng phạt với Venezuela.
Hãng tin lưu ý thêm, tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ trong tháng 2/2019 ước tính đạt hơn 16 triệu thùng, trong khi con số này là 20 triệu thùng trong 1 năm trước đó. Trong năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu 1,5 triệu thùng dầu từ Nga, tuy nhiên sang năm 2018, số lượng tăng mạnh lên tới 7,5 triệu thùng.
Các biện pháp trừng phạt của Washington đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu dầu thô của Venezuela , nhưng cũng không làm tê liệt hoàn toàn ngành công nghiệp dầu mỏ của Caracas.
Sản lượng xuất khẩu dầu sụt giảm của Venezuela, cũng như nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, khiến nguồn cung dầu toàn cầu thắt chặt, khiến giá dầu tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay.
Chính phủ Mỹ tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Venezuela để gây sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức.
Nhà Trắng cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga với lý do rằng Moscow đứng sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Chính phủ Nga đã phủ nhận tất cả các cáo buộc này và nói rằng không có bằng chứng.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng có kế hoạch thực thi các biện pháp trừng phạt đối với dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga ở châu Âu nhằm thuyết phục các nước thuộc Liên minh châu Âu chuyển sang các nguồn năng lượng khác, như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.