Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ sẽ ủng hộ đề xuất giảm giá trần với dầu mỏ Nga?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Washington được cho là vẫn muốn duy trì biện pháp áp mức trần giá đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng.

G7 và EU chính thức áp trần giá 60 USD một thùng với dầu thô Nga từ ngày 5/12/2022. Ảnh: Tass
G7 và EU chính thức áp trần giá 60 USD một thùng với dầu thô Nga từ ngày 5/12/2022. Ảnh: Tass

Tờ Politico hôm 29/3 trích dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Mỹ đã phản đối lời kêu gọi của một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc hạ giá trần đối với dầu thô của Nga.

Theo nguồn tin trên, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đang hối thúc EU xem xét lại mức giá trần đối với dầu mỏ Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow.

“Mỹ không ủng hộ đề xuất của các nước Estonia, Ba Lan và Litva về việc điều chỉnh giảm mức giá trần với dầu mỏ Nga” - một nhà ngoại giao EU nói với Tờ Politico trước thềm cuộc họp của ngoại trưởng EU hôm 29/3.

EU đã đồng ý xem xét lại biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga hai tháng một lần kể từ giữa tháng 1 vừa qua.

Theo Politico, Ba Lan và Litva đã đề xuất giảm mức giá trần hiện tại đối với dầu mỏ Nga từ 60 USD/thùng xuống 51,45 USD/thùng. Tuy nhiên, việc thay đổi mức giá trần này sẽ phải đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia G7 và EU.

Các nhà phân tích cho rằng việc giảm giá trần với dầu mỏ Nga sẽ gây bất lợi cho Mỹ vì cơ chế này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty năng lượng Mỹ.

Trong khi đó, dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 28/3 cho thấy Mỹ đã thay thế Nga trở thành nước xuất khẩu dầu thô nhiều nhất cho EU.

Theo dữ liệu của Eurostat, cuối tháng 1/2022, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu EU với 31% tổng lượng nhập khẩu. Mỹ đứng thứ hai với 13%.

Mỹ đã thay thế Nga trở thành nước xuất khẩu dầu thô nhiều nhất cho EU. Ảnh: AP
Mỹ đã thay thế Nga trở thành nước xuất khẩu dầu thô nhiều nhất cho EU. Ảnh: AP

Lượng dầu thô của Nga xuất sang EU trồi sụt từ thời điểm tháng 2-4/2022. Đến tháng 9/2022 thì liên tục đà giảm, và đến tháng 12 năm ngoái lượng “vàng đen” của Nga chỉ còn chiếm 4% tổng lượng nhập của EU. Trong khi đó lượng xuất khẩu của Mỹ liên tục tăng. Tháng 12/2022, khoảng 18% lượng dầu thô nhập khẩu của EU đến từ Mỹ.

Trước đó, G7 và EU đã áp trần giá 60 USD một thùng với dầu thô Nga, bắt đầu từ ngày 5/12/2022. Mục đích của trần giá là hạn chế khả năng Moscow  hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tại Ukraine. Các công ty bảo hiểm, vận tải phương Tây sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi chúng được mua bằng hoặc dưới giá trần.

Để đáp lại mức giá trần, hôm 27/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu trong vòng 5 tháng, từ ngày 1/2/2023, cho các nước áp dụng trần giá dầu.

Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, xuất khẩu dầu và sản lượng dầu của Nga trong năm ngoái vẫn tăng lần lượt 7,6% và 2%.

Theo RT, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Nikolai Shulginov hôm 28/3 cho biết doanh số dầu Nga không bị giảm, vì nước này đã chuyển hướng xuất khẩu sang các nước “thân thiện”.

Theo ông Shulginov, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu từ thị trường châu Âu sang các thị trường châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Ấn Độ sẽ chiếm hơn một nửa tổng số lượng dầu thô Urals của Nga xuất khẩu bằng đường biển trong tháng này, Trung Quốc đứng thứ hai.

Bộ trưởng Shulginov xác nhận rằng sản lượng dầu khí của Nga dự kiến ​​sẽ giảm vào năm 2023, trong bối cảnh phương Tây vẫn duy trì trừng phạt và Nga bị hạn chế khả năng tiếp cận với người tiêu dùng châu Âu.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak, thông báo khối lượng dầu mỏ xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng 22 lần trong năm 2022. Nga cũng trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023, khi sản lượng xuất khẩu dầu mỏ tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.