Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ Tài - Hướng về nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Mỹ Tài nằm về phía Đông Nam của huyện Phù Mỹ (Bình Định), là một xã Anh hùng trong đấu tranh và trong lao động sản xuất. Hiện xã có tổng diện tích tự nhiên là 2.868,6ha với tổng dân số 12.565 người và 2.570 hộ.

Mỹ Tài - Hướng về nông thôn mới - Ảnh 1
Mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới thì đa số Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, bằng những việc làm cụ thể như đóng góp tiền, hiến đất, cây, hoa màu. Điển hình như ông Đinh Văn Sang ở thôn Vạn Ninh 2, bà Nguyễn Thị Nghiêng ở thôn Vĩnh Nhơn…

Ông Hồ Văn Long (ảnh bên) - Chủ tịch UBND xã cho biết: Người dân ở đây rất hăng hái trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là phong trào hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2013, người dân hiến được 1.800m2 đất và hàng trăm cây trồng, hoa màu có giá trị hơn 263 triệu đồng. Năm nay, các thôn Mỹ Hậu 3, Vạn Ninh 1, Vạn Ninh 2 đã đóng góp từ 11 - 27 triệu đồng/thôn để cùng Nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Nhờ đó mà đến nay các công trình điện, đường, trường, trạm tương đối hoàn chỉnh. Có 100% hộ sử dụng điện; đường bê tông trục xã đạt 71%, liên thôn đạt 64,2%, xây dựng được 11 tuyến đường nội đồng, đạt 63%; trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia; 2 trường học đạt chuẩn quốc gia. Xét về tiêu chí nông thôn mới, xã đã đạt được 8 tiêu chí là: Quy hoạch, điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm.

 
Đường bê tông thôn Vạn Ninh 1 đang được xây dựng.
Đường bê tông thôn Vạn Ninh 1 đang được xây dựng.
Ông Long cho biết thêm: Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng thì phát triển kinh tế cũng được Đảng ủy, chính quyền xã rất quan tâm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Với  một xã có trên 80% người dân sống bằng nông nghiệp nên việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các công trình thủy lợi là yếu tố then chốt để tăng năng suất cây trồng. Xã cũng đã xây dựng được 2 đập cảng bằng xi măng, 2 hồ chứa nước kiên cố, hơn 8km mương bê tông hưởng nước từ hồ Hội Sơn và sông La Tinh, bảo đảm nguồn nước đủ cung cấp cho 2/3 diện tích. Xã còn thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật và vận động Nhân dân đưa giống lúa cấp 1 vào sản xuất. Chuyển đổi một số diện tích thiếu nước sang cây trồng cạn có giá trị cao như cây mì, ngô, đậu phụng, mía, ớt, dưa hấu. Tập trung phát triển công tác trồng rừng, nâng độ che phủ lên 88% với diện tích trồng 548ha/221 hộ. Nhiều hộ có thu nhập cao như ông Mai Văn Toại, ông Võ Văn Dũng, bà Võ Thị Định… Ngoài ra, xã còn phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức đào tạo nghề điện, thú y, kỹ thuật chăm sóc cây trồng; đầu tư phát triển 2 làng nghề bánh tráng mì chà ở thôn Mỹ Hội 1 và làng nghề đan tre ở thôn Vĩnh Nhơn.

Với hướng đi đúng đắn đó, đời sống của Nhân dân những năm gần đây có bước tiến khá rõ nét. Nếu như năm 2009, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 11,3 triệu đồng thì hiện nay đã tăng lên 18 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn cao (310 hộ), chiếm 11,2%. Vì vậy, xã đã ưu tiên cho các hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi theo hướng “đa cây, đa con”, tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ chức đoàn thể. Tính đến nay, tổng dư nợ từ các chương trình cho vay trên 14 tỷ đồng. Nhờ có vốn sản xuất, chăn nuôi nên nhiều hộ không những thoát nghèo bền vững mà còn đủ tiền lo con ăn học đến nơi đến chốn, như hộ bà Đinh Thị Đông ở thôn Vạn Ninh 1.

Trong thời gian tới, trong xây dựng nông thôn mới, xã tiếp tục giữ vững các tiêu chí đạt được và chọn ra một số tiêu chí khác để hoàn thành. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành thêm 3 tiêu chí là: Trường học, an ninh trật tự, Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Trong nông nghiệp, tiếp tục củng cố và mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn cho hai loại cây trồng lúa và mì. Mục tiêu đến cuối năm 2014 thu nhập bình quân đầu người tăng lên 21 triệu đồng/năm.