Quân đội Mỹ hôm 2/3 đã thực hiện đợt viện trợ đầu tiên từ trên không xuống Gaza, sau vụ hàng loạt người Palestine đang xếp hàng nhận thực phẩm thiệt mạng hôm 29/2.
Trước đó, hơn 100 người Palestine đã thiệt mạng và 760 người khác bị thương trong lúc đang khi xếp hàng nhận viện trợ xung quanh đoàn xe tải tại Nabulsi, thuộc thành phố Gaza, hôm 29/2.
Đoàn gồm 30 xe tải chở hàng viện trợ của Ai Cập tiến về phía Bắc dọc theo nơi mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) mô tả là "hành lang nhân đạo".
Theo người phát ngôn của IDF, việc người dân cướp bóc hàng nhân đạo đã dẫn đến thảm kịch khi họ bao vây chiếc xe tải, xô đẩy và giẫm đạp nhau, đồng thời khẳng định xe tăng của Israel "đã thận trọng giải tán đám đông bằng một vài phát súng cảnh cáo" nhưng đã rút lui "khi số người tụ tập lên đến hàng nghìn và tình hình vượt quá tầm kiểm soát".
Những thông tin này cũng nhấn mạnh thảm họa nhân đạo đang gia tăng tại khu vực ven biển đông đúc sau nhiều tháng hoạt động quân sự của Israel.
Jordan và Pháp đã tiến hành thả hàng viện trợ từ trên không vào Gaza, nơi Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết một phần tư dân số - 576.000 người - chỉ còn cách nạn đói "một bước chân".
Quân đội Mỹ cho biết lực lượng thả dù của Mỹ đã sử dụng máy bay vận tải C-130 để thả hơn 38.000 suất thực phẩm viện trợ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của Gaza.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn một quan chức chính quyền cấp cao cho biết việc thả viện trợ không được phối hợp với bất kỳ nhóm nào trên thực địa ở Gaza nhưng các quan chức Mỹ ghi nhận việc dân thường đã tiếp cận được hàng viện trợ và phân phát cho nhau.
Nhà Trắng hôm 1/3 cho biết các đợt thả hàng viện trợ trên không sẽ được tiếp tục duy trì và Israel ủng hộ biện pháp này.
Theo một quan chức Mỹ, dưới áp lực trong và ngoài nước, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang xem xét vận chuyển viện trợ bằng đường biển từ Síp, cách bờ biển Gaza khoảng 210 hải lý.
Mỹ trong nhiều tháng đã kêu gọi Israel cho phép bổ sung thêm viện trợ vào Gaza.
Một số chuyên gia cho rằng việc buộc phải sử dụng các biện pháp thả dù là minh chứng mới nhất cho thấy ảnh hưởng hạn chế của Washington đối với Israel khi nước này theo đuổi cuộc chiến với Hamas. Washington đang trang bị vũ khí cho Israel và coi đây là một trong những đồng minh thân cận nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, một số người phản đối cho rằng việc này chỉ có tác động hạn chế và gần như không thể đảm bảo nguồn cung cấp rơi vào tay Hamas.
Một quan chức Mỹ khác cho biết việc phân phối viện trợ là một thách thức phù hợp ở Gaza vì tình trạng vô luật pháp ngày càng leo thang khi các băng nhóm tội phạm không ngừng hoành hành.
Trước cuộc xung đột, Gaza dựa vào nguồn cung viện trợ từ 500 xe tải chở hàng mỗi ngày.
Cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hợp quốc UNRWA hôm 1/3 cho biết trong tháng 2, trung bình có gần 97 xe tải có thể vào Gaza mỗi ngày, so với khoảng 150 xe mỗi ngày vào tháng 1.
Việc giao hàng qua Cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza gần như đã bị dừng lại. Mặc dù các xe tải đôi khi đi qua cửa khẩu Kerem Shalom của Israel nhưng lại đã bị cản trở bởi những người biểu tình Israel tìm cách ngăn chặn việc giao hàng. UNRWA cho biết cửa khẩu này đã đóng cửa từ ngày 8-10/2 và ngày 15-17/2.
Tình hình nhân đạo đang ngày một nghiêm trọng khi người dân phải sử dụng thức ăn chăn nuôi để tồn tại và các bác sĩ cho biết nhiều trẻ em đang trên bờ vực sống còn vì suy dinh dưỡng và mất nước, Liên Hợp quốc cho biết họ phải đối mặt với "những trở ngại quá lớn" trong việc tiếp cận viện trợ.
Vụ việc xảy ra hôm 29/2 gần thành phố Gaza là vụ dân thường thiệt mạng nhiều nhất trong nhiều tuần trở lại đây. Hamas cho biết hành động này có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán ở Qatar nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn và thả con tin Israel. Niềm hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ngày càng tăng trước khi bắt đầu tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo vào ngày 10/3.