Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ từng trả giá đắt cho sai lầm hệt Iran trong vụ bắn rơi máy bay Ukraine

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trùng hợp khi thảm họa lịch sử đó được chính Tổng thống Iran nhắc lại, chỉ 1 ngày trước vụ tai nạn máy bay Ukraine.

Mảnh vỡ của máy bay Boeing 737-800 được phát hiện ở ngoại ô Tehran hôm 8/1.

Thời điểm máy bay chở khách Boeing 737-800 của Ukraine được xác định rơi gần Tehran hôm 8/1 - chỉ vài giờ sau khi Iran bắn tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq, nhiều nghi ngờ lập tức đặt ra rằng máy bay đã bị tên lửa bắn hạ.
Nghi ngờ đó đã được xác nhận vào thứ 7 vừa qua, khi các quan chức Iran thừa nhận chịu trách nhiệm về việc bắn nhầm máy bay, giết chết toàn bộ 176 nạn nhân, bao gồm nhiều người Iran trẻ tuổi, cũng như công dân của Canada, Afghanistan và một số quốc gia châu Âu.
Nhiều nhà quan sát chợt nhớ về một vụ tai nạn máy bay tương tự trong lịch sử, xảy ra ở lãnh thổ Iran trong bối cảnh chiến sự hơn 30 năm trước, vào những ngày tàn của Chiến tranh Iran - Iraq.
Vào ngày 3/7/1988, khi các lực lượng Mỹ và Iran chiến đấu ở Vịnh Ba Tư, Hải quân Mỹ đã vô tình bắn hạ một máy bay chở khách của Iran - Chuyến bay 655 từ Iran đang trên đường đến Dubai. Đã không có ai sống sót trong số 290 người, bao gồm 66 trẻ em trên chuyến bay đó.
Trùng hợp hơn, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thậm chí đã đề cập đến thảm kịch đó hồi đầu tuần, khi ông phản ứng lại mối đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tấn công 52 địa điểm của Iran.
Theo ông Trump, con số 52 mang ý nghĩa đại diện cho 52 con tin Mỹ từng bị Iran bắt giữ năm 1979. Đáp lại, ông Rouhani đã viết, những người tham khảo số 52 cũng nên nhớ đến con số 290.
Chuyến bay 655 của Iran, mà ông Rouhani đã nhắc đến với hashtag #IR655 trong một trạng thái trên Twitter, đã cất cánh từ TP cảng Bandar Abbas tại Vịnh Ba Tư. Cùng buổi sáng tháng 7 năm đó, Vincennes - một tàu tuần dương tên lửa của Mỹ - đã tham gia chiến đấu với các tàu Iran trong vịnh.
Người Iran tổ chức lễ tang tập thể trên đường phố cho các nạn nhân xuất số trên chuyến bay 655 bị Mỹ bắn nhầm.
Hải quân Mỹ sau đó cho biết đã nhầm một chiếc Airbus A300 chở khách với một máy bay chiến đấu F-14 của đối thủ. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân lúc đó Will C. Rogers nói rằng máy bay Iran đã bay ở độ cao thấp và không tuân thủ các cảnh báo, hoặc không truyền tín hiệu radar xác định nó là máy bay dân sự. Chiếc máy bay xấu số đã bị hạ bằng một tên lửa đất đối không - hệt như trường hợp của máy bay Ukraine hôm 8/1.
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Ronald Reagan đã đưa ra một tuyên bố từ Trại David, nói rằng Mỹ lấy làm tiếc về cái chết của thường dân, nhưng ủng hộ kết luận của Đại úy Rogers. Một cuộc điều tra của Lầu Năm Góc sau đó cũng ủng hộ ông này, mặc dù lưu ý rằng ông đã được cung cấp thông tin không chính xác khi máy bay tiếp cận.
Thêm một tình tiết kịch tính là vào tháng 3 năm sau đó, một quả bom được gắn trong xe của Đại úy Rogers đã phát nổ khi vợ ông đang lái xe gần một trung tâm mua sắm ở San Diego. Bà này may mắn trốn thoát mà không bị thương. Các nhà điều tra ban đầu tin rằng đó là một hành động khủng bố liên quan đến vai trò của Đại úy Rogers về thảm họa máy bay Iran, tuy nhiên khả năng này cuối cùng đã bị loại bỏ.
Ông Rogers sau đó đã được trao tặng huân chương Legion of Merit cho đóng góp của mình ở Vịnh Ba Tư, đi kèm ca ngợi khả năng lãnh đạo và đánh giá logic của một người thủ lĩnh.
Một báo cáo vào tháng 12/1988 bởi một hội đồng chuyên gia hàng không quốc tế cáo buộc trách nhiệm với Hải quân Mỹ vì đã không đưa ra các thủ tục để giữ máy bay dân sự tránh xa các khu vực chiến đấu. Mỹ sau đó đã phải trả hàng triệu USD để giải quyết một vụ kiện mà Iran đệ trình tại Tòa án Công lý Quốc tế về vụ tai nạn máy bay 655.