Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ và EU dỡ bỏ trừng phạt Iran: Đột phá chưa gỡ hết khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc Mỹ và EU dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran áp dụng từ năm 2006 liên quan ...

Kinhtedothi - Với việc Mỹ và EU dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran áp dụng từ năm 2006 liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, thỏa thuận về giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Iran đạt được hồi tháng 7 năm ngoái giữa Iran với 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ và Mỹ chính thức được bắt đầu thực hiện.

Mỹ và EU vẫn duy trì những biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến những vấn đề khác và Mỹ lại vừa áp dụng một số biện pháp trừng phạt mới đối với Iran liên quan đến vụ thử nghiệm tên lửa gần đây nhất của Iran.
Mỹ và EU dỡ bỏ trừng phạt Iran: Đột phá chưa gỡ hết khó - Ảnh 1
Dù vậy, sẽ không sai khi cho rằng vấn đề hạt nhân của Iran đã được giải quyết và thỏa thuận về giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Iran là sự kiện mang tính đột phá đối với rất nhiều chuyện chính trị an ninh vượt ra ngoài phạm vi của vấn đề này và ra ngoài khuôn khổ quan hệ giữa Iran với các nước phương Tây. Chỉ có điều là bước chuyển mang tính đột phá này chưa tháo gỡ được hết mọi khó khăn và trắc trở trong quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây.

Những biện pháp chính sách của Mỹ và EU liên quan đến tất cả các vấn đề khác tuy còn ý nghĩa chính trị nhất định nhưng về tác động thực tế không thể so sánh được với những biện pháp trừng phạt vừa được Mỹ và EU dỡ bỏ. Iran không chỉ được trả lại tài sản ở nước ngoài mà còn có thể hội nhập khu vực và quốc tế trên mọi phương diện. Iran có được cơ hội mới để phát triển kinh tế - xã hội và trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư với thế giới bên ngoài, lại có thể xuất khẩu dầu lửa và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hiện đại hóa ngành hàng không và phát triển cơ sở hạ tầng. Đi cùng với những cơ hội phát triển đất nước và hội nhập quốc tế ấy là những tiền đề thuận lợi để gây dựng vai trò và nâng cao ảnh hưởng chính trị an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới, trở thành nhân tố quyền lực mới trong thế giới Hồi giáo và trong việc giải quyết những vấn đề thời sự đang đặt ra ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh như chống khủng bố và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), vấn đề Syria, chiến tranh ở Yemen, khủng hoảng chính trị ở Lebanon và Libia...

Đối với tất cả những ai trên thế giới mong muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, trong đó đặc biệt có Mỹ, EU và Iran thì cái lợi mà thỏa thuận giải pháp đưa lại mang ý nghĩa chiến lược lâu dài. Nhưng đối với Israel, Ả rập Xê út và một số vương triều Ả rập ở vùng Vịnh thì đó lại là cơn ác mộng. Cho nên xử lý quan hệ của mình với các đối tác này trong khi kiên định cùng nhau thực hiện thỏa thuận đã ký kết cũng là chuyện không dễ dàng đối với Mỹ, EU và Iran. Ngoài ra còn không thể coi nhẹ sự phản đối và chống phá từ phía Đảng Cộng hòa ở Mỹ. Bởi thế, hiện chưa thể nói đã hoàn toàn hết mọi bất trắc đối với thành công của việc triển khai thực hiện thỏa thuận về giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.