Tại cuộc đối thoại Thường niên Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung Quốc được tổ chức ngày 9/11 tại thủ đô Washington, quan chức 2 nước đã tập trung thảo luận những vấn đề "nóng" liên quan đến chiến tranh thương mại và tự do hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã gặp gỡ Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa.
Nhân dịp này, hai quan chức cấp cao Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho rằng nó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế của cả hai bên.
Mặc cuộc họp được tổ chức trong bầu không khí căng thẳng, buổi đối thoại lần này được nhận định nhằm cải thiện mối quan hệ Washington – Bắc Kinh đang gia tăng căng thẳng trong những tháng qua, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình khi 2 nhà lãnh đạo tham dự Thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng này.
"Mỹ không muốn tiến hành Chiến tranh lạnh và các chính sách đối đầu với Trung Quốc", Ngoại trưởng Pompeo khẳng định trong buổi họp báo chung với hai quan chức cấp cao Trung Quốc.
Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức, "sự hợp tác là rất cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề" – Ngoại trưởng Pompeo khẳng định, viện dẫn nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Cũng tại cuộc đối thoại, ông Pompeo đã yêu cầu Trung Quốc ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng phi pháp trên biển Đông.
"Chúng tôi quan ngại vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các cam kết đối với khu vực này" – ông Pompeo nhấn mạnh.
Về phía Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì cho biết Bắc Kinh hối thúc Washington ngưng triển khai chiến hạm và máy bay quân sự đến gần các đảo trong khu vực này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis khẳng định Washington sẽ không đáp ứng yêu cầu này, đồng thời nhấn mạnh rằng việc Washington triển khai tàu và máy bay quân sự để thực hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.