KTĐT - Người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch WEF Klaus Schwab cảnh báo năm 2010 sẽ là thời kỳ đầy thách thức, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế mới đây.
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 40 đã khai mạc tối 27/1, tại thành phố Davos, Thụy Sĩ.
Với chủ đề Cải thiện tình hình trên hành tinh: tư duy, kế hoạch, tái tạo, hội nghị kéo dài 5 ngày này tập trung thảo luận những bài học cần rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, cách thức thúc đẩy sự phục hồi ổn định, đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu và tái thiết Haiti sau thảm họa động đất.
Phát biểu khai mạc hội nghị, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch WEF Klaus Schwab cảnh báo năm 2010 sẽ là thời kỳ đầy thách thức, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế mới đây.
Khủng hoảng xã hội có thể kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác nếu các nhà lãnh đạo thế giới trì hoãn giải quyết vấn đề thực sự hiện nay là thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất chưa kết thúc và thế giới chưa trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.
Ông Schwab nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế đã thay đổi thế giới một cách căn bản, khiến thế giới không thể trở lại với hệ thống cũ.
Điều này đồng nghĩa các nhà lãnh đạo thế giới phải xem xét lại các giá trị một cách cụ thể, thiết kế lại các hệ thống và xây dựng lại các thể chế.
Ông kêu gọi các nước hành động nhiều hơn nữa để xây dựng lại mối quan hệ đối tác thực sự giữa chính phủ và giới doanh nghiệp, sao cho các doanh nghiệp vừa đổi mới và sáng tạo, vừa tạo ra nhiều việc làm.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã "thổi bùng" tranh cãi khi ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với thị trường phố Wall, bao gồm hạn chế những điều chỉnh thái quá có tính rủi ro cao; ngăn chặn tình trạng vay mượn tại các ngân hàng hoặc thể chế tài chính, cũng như các hoạt động đầu tư hoặc bảo trợ cho quỹ rủi ro hoặc quỹ tài sản thế chấp tư nhân.
Theo ông Sarkozy, những hoạt động đầu cơ và phá vỡ qui định tài chính, văn hóa tiền thưởng, cũng như những gian lận trong quyết toán là nguyên nhân đẩy kinh tế thế giới đến bên vực phá sản.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phải có sự đồng thuận mang tính toàn cầu về vấn đề qui định tài chính trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20).
Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cũng ủng hộ đề xuất của ông Obama, mặc dù trước đó ông khẳng định phải có sự phối hợp toàn cầu khi thực hiện những cải cách này.
Phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Sarkozy, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Dân cho rằng quyết định siết chặt chính sách tiền tệ của Mỹ có thể gây ra hiện tượng "chảy máu vốn" tại các thị trường mới nổi.
Theo ông Chu Dân, nếu Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ đang được nới lỏng hiện nay, khiến cho việc vay mượn bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn, thì các nguồn vốn ngay lập tức sẽ từ các thị trường mới nổi đổ về Mỹ.
Điều này có thể làm phá sản các đồng tiền của các thị trường mới nổi, tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự cuộc khủng hoảng ở châu Á thời kỳ 1997-1998. Ông Chu Dân cũng bảo vệ lập trường của Trung Quốc duy trì đồng nhân dân tệ ổn định với lý do điều này không chỉ tốt cho Trung Quốc, mà cả thế giới.
Giới doanh nghiệp cảnh báo việc siết chặt quy định đối với khu vực tài chính có thể phá vỡ sự phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh.
Chủ tịch Tập đoàn tài chính Barclays của Anh Robert Diamond khẳng định việc thu nhỏ các ngân hàng lớn không chỉ tác động tiêu cực đến các ngân hàng, mà cả thương mại và kinh tế toàn cầu.
Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Piter Sands cho rằng đề xuất của ông Obama sẽ khiến cho thị trường tài chính phức tạp thêm và tạo kẽ hở để các công ty tài chính "qua mặt" các nhà điều phối.
Tỷ phú George Sorros nhấn mạnh kế hoạch của ông Obama có phần hấp tấp, trong khi có phần lại chưa đi đủ xa./.