Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2014, thế giới mất 52,9 tỷ USD vì khủng bố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ nghĩa khủng bố đã khiến nền kinh tế thế giới đã tiêu tốn 52,9 tỷ USD năm 2014, gấp 10 lần kể từ vụ tấn công tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, Mỹ năm 2001.

Thiệt hại ngày càng tăng

Theo chỉ số Khủng bố toàn cầu (GTI) mới nhất hàng năm được thực hiện bởi Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), số người thiệt mạng bởi chủ nghĩa khủng bố năm 2014 là 32.658 người. Đồng thời, nền kinh tế thế giới đã thiệt hại 52,9 tỷ USD vì khủng bố, tăng 61% so với năm trước đó (32,9 tỷ USD).
​Xung đột quốc gia cũng là một nguyên nhân dẫn đến nạn khủng bố. Trong ảnh: Cuộc xung đột tại Syria kéo dài 4 năm với nhiều hệ lụy
​Xung đột quốc gia cũng là một nguyên nhân dẫn đến nạn khủng bố. Trong ảnh: Cuộc xung đột tại Syria kéo dài 4 năm với nhiều hệ lụy
Chỉ số GTI thể hiện sự tác động của khủng bố đối với 162 đất nước trong các mặt số người thiệt mạng, bị thương, tổn thất tài sản và các tác động tâm lý hậu khủng bố và không đề cập đến khoản chi tiêu cho an ninh quốc gia để chống lại khủng bố (được ước tính là khoảng 117 tỷ USD).
Báo cáo cũng cho biết, hiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tổ chức Boko Haram (nhóm vũ trang Hồi giáo tại Nigeria) chịu trách nhiệm cho 51% thương vong toàn cầu trong các cuộc tấn công khủng bố.

Cũng theo báo cáo này, mức độ xung đột vũ trang trong một quốc gia có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Báo cáo cho thấy 88% các cuộc tấn công khủng bố giữa năm 1989 và năm 2014 đã xảy ra tại các quốc gia đã trải qua hoặc tham gia vào các cuộc xung đột bạo lực.

Tôn trọng tự do tôn giáo để tránh khủng bố

Chủ tịch điều hành của IEP Steve Killelea lưu ý các nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa khủng bố khác nhau giữa các quốc gia. Ở phương Tây, các yếu tố kinh tế - xã hội như thanh niên thất nghiệp và tội phạm ma túy có tương quan với chủ nghĩa khủng bố. Trong khi tại các nước chưa phát triển, khủng bố xảy ra có nguyên nhân từ các xung đột, tham nhũng và bạo lực.

Thực tế, các diễn biến trên thế giới chỉ ra rằng, thế giới không chia rẽ vì khủng bố mà chính sự chia rẽ của thế giới đã tạo ra nạn khủng bố. Sự kỳ thị, tẩy chay, thậm chí định kiến sai lầm về các tôn giáo, nền văn hóa khác là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong tôn giáo, sắc tộc giữa các cộng đồng.

Philistine Ayad -  một phụ nữ Hồi giáo ở Mỹ cho rằng, đang có quá nhiều định kiến sai lầm về người Hồi giáo tại các nước phương Tây. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưg không phải là người Hồi giáo, Ayad nói. Và mặc dù sống tại Mỹ từ năm 2001 và rất “tây hóa”, Ayad vẫn cảm thấy bị tổn thương khi cô xuất hiện ở nơi công cộng với chiếc khăn trùm kín đầu và nghe những tiếng bàn tán không tốt về tôn giáo của cô.

Vừa qua, chính phủ Senegal, CH Cameroon và CH Chad ở Tây Phi cũng đã ban hành lệnh cấm phụ nữ đạo Hồi không mặc khăn trùm (burqa) vì lo sợ những kẻ khủng bố sẽ cải trang dưới các trang phục này.

Tuy nhiên, điều này đã gây ra những mâu thuẫn sâu sắc trong cộng đồng Hồi giáo. Hai ngày sau khi có lệnh cấm, hai kẻ đã đánh bom tự sát ở N'Djamena, CH Chad giết chết ít nhất 27 người, trong đó có một số sĩ quan cảnh sát.
Lệnh cấm burqa đang là một chủ đề tranh luận ở Senegal. Nhiều người lo ngại áp đặt lệnh cấm này ở Senegal sẽ gây ra sự mất ổn định xã hội. Khadim Mbacke, một nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, cần có sự dung hòa giữa các biện pháp đảm bảo an ninh và tôn trọng quyền tự do cá nhân.

"Để chống lại nạn khủng bố, các chính phủ cần xác định các yếu tố chính trị - xã hội là nguyên nhân của nạn khủng bố và giải quyết chúng”, Chủ tịch điều hành Steve Killelea cho biết. Điều này bao gồm việc giải quyết xung đột giữa các nhóm trong xã hội, và nâng cao sự tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo và các khác biệt về văn hóa, ông nhấn mạnh.