Định hình kinh tế năm 2018Nhìn qua các con số và đầu việc có thể thấy, đây rõ ràng là một nhiệm vụ không đơn giản. Bởi để tăng trưởng GDP ở mức 6,5 - 6,7% và lạm phát ở mức 4% trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ buộc phải tính toán từng khoản, mục. Các mục tiêu phải hướng đến huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33 - 34% GDP, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 10%, giữ bội chi ngân sách ở mức 204.000 tỷ đồng, nợ công 63,9% GDP.
|
Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh |
Trong hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” tổ chức tại Thanh Hóa những ngày đầu năm 2018, kết quả khảo sát ngay tại chỗ ý kiến các đại biểu cho thấy, 50% người tham gia tin rằng kinh tế sẽ tăng trưởng từ 6,7 - 7% trong năm nay, thậm chí có 25% kỳ vọng GDP sẽ tăng vượt mức 7%. Các diễn giả đều có lý lẽ thuyết phục cho kết quả bình chọn của họ. Ví dụ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số lượng DN thành lập mới tăng kỷ lục; ngành chế biến chế tạo, dịch vụ hay chi tiêu tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh; xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực… Đây tiếp tục là động năng tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam những năm tới.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tỏ ra thận trọng. Kinh tế 2018 được định hình, vấn đề quan trọng tiếp sau là đề ra các giải pháp và quyết liệt triển khai thực hiện để đạt mục tiêu. Điều này vô cùng cần thiết khi 2018 là năm có ý nghĩa bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020.
Cải cách mạnh mẽ Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông bày tỏ quan điểm: “Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế và công khai minh bạch sẽ là chìa khóa để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh hiện nay, cũng như đưa kinh tế Việt Nam phát triển và bền vững hơn”. Theo Bộ KH&ĐT, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 19, đến năm 2017 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất, ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng. Tuy nhiên, mức độ thực hiện các giải pháp và kết quả đạt được còn ít và chậm hơn so với yêu cầu của Nghị quyết cũng như mong đợi của cộng đồng DN.
Theo Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018, giải pháp đặt ra tiếp tục tập trung cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành, tăng năng suất lao động đi kèm với đổi mới công nghệ. Chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh, thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh được cải cách ra sao, nền kinh tế được tái cơ cấu thế nào phụ thuộc nhiều vào quá trình sắp xếp, cơ cấu lại với quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Đến năm 2035 để bằng Malaysia hiện nay, kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng 7 - 7,5% mỗi năm. Và muốn đạt được vậy thì năng suất lao động phải tăng để đóng góp 92% trong tăng trưởng kinh tế. Các khoản viện trợ ODA không còn, do đó tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không có cách nào đạt được nếu không tăng năng suất lao động” - ông Thành chia sẻ.
Trông chờ doanh nghiệp tư nhânĐể tăng trưởng GDP bền vững, ngoài thực hiện 2 giải pháp: Cấu trúc toàn diện lại nền kinh tế, cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến củng cố niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân, tăng đóng góp của DN tư nhân. Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Mại cho biết, ngành xuất khẩu vẫn bị chi phối bởi khu vực FDI và các DN nước ngoài. Để phát triển bền vững, cần phát huy cả nội lực, ngoại lực. Và động lực tăng trưởng kinh tế 2018 trông chờ ở kinh tế tư nhân.
TS Võ Trí Thành cho rằng, nguồn lực của Nhà nước đang suy kiệt, chưa nói tới việc xử lý hiệu quả các vấn đề về môi trường, giáo dục hay bảo đảm nhiều dịch vụ công và các vấn đề phát sinh khác. Vậy phải làm sao khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội. “Nền kinh tế không thể dựa mãi vào khu vực FDI, phải dựa vào nội lực, mà khu vực năng động nhiều tiềm năng nhất là khối kinh tế tư nhân...” - ông Thành nhận định. Trong số những điển hình nổi bật của khu vực kinh tế tư nhân, không thể không nhắc tới những thương hiệu đang “nổi” trên thị trường như FLC, Vingroup, Sun group, Eurowindow, Thép Hòa Phát… Kinh tế Việt Nam không thể hội nhập bằng khu vực cá thể thiếu chuyên nghiệp, năng suất thấp. Cả xã hội đang dõi theo từng bước đi của khối kinh tế tư nhân, mà tỷ trọng đóng góp cho GDP chính là thước đo.