Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2018, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 3,6% so với năm 2017, đánh dấu bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 43.708 tỷ đồng, bằng 104,71% so với năm 2017.
Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch tích cực: Trồng trọt, lâm nghiệp 42,7%; chăn nuôi, thủy sản 52,86%; dịch vụ 4,44%.Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 251.697ha, bằng 92,82% so với năm 2017. Tổng diện tích cây lương thực có hạt: 196.434ha, sản lượng 1.110 tấn. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có 20.877,5ha. Tổng số đầu con năm 2018 tăng 2,13% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đàn trâu 23.500 con; đàn bò 136.000 con (trong đó, bò sữa 14.133 con); đàn lợn 1.772 nghìn con; đàn gia cầm 31,5 triệu con (trong đó, đàn gà 21,826 triệu con, bằng 106,65%). Sản lượng thịt gia súc, gia cầm năm 2018 tăng 1,76%. Diện tích nuôi trồng thủy sản 22.200ha, sản lượng thủy sản đạt 116.500 tấn.
Đến nay, toàn TP có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó, các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình... Xây dựng và duy trì trên 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cùng trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Để nâng cao năng lực cạnh của các DN và sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP tổ chức Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư, phát triển năm 2018”, “Hội nghị xúc tiến hợp tác nông nghiệp giữa TP Hà Nội và tỉnh Fukuoka - Nhật Bản”; Hội nghị “Hợp tác các tỉnh phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản nhãn chín muộn TP Hà Nội năm 2018”.
Đặc biệt, năm 2018 Hà Nội đã xuất khẩu 19 tấn nhãn chín muộn đi Mỹ và châu Âu, trong đó, vùng trồng nhãn ở Đại Thành, huyện Quốc Oai xuất khẩu 18 tấn sang Mỹ; vùng trồng nhãn xã Song Phương, huyện Hoài Đức xuất khẩu hơn 1 tấn nhãn chín muộn sang thị trường các nước châu Âu, đã mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, trong đó có nhãn chín muộn…
Năm 2018, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, TP có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức và 4 huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018: Gia Lâm đạt 9/9 tiêu chí, đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn năm 2018, Thạch Thất đạt 7/9 tiêu; Phúc Thọ đạt 7/9 tiêu chí, Quốc Oai đạt 6/9 tiêu chí. Bên cạnh đó, 323/386 xã (chiếm 83,67%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, còn 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí.
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016), giảm xuống còn dưới 2,57% (năm 2017), dự kiến 2018 còn khoảng 2,1%. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% Trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn TP đạt 86,06%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%, trong đó có 55,5% số dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ y tế.
Trong năm 2019, TP Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 2,5 - 3%; Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 3,19%; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 131,15 triệu đồng, tăng 8,9% so với năm 2018; Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 30 xã trở lên.
Mục tiêu tổng quát của ngành NN&PTNT Hà Nội là “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị tăng cao, trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn”.