Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh diện tích phủ sóng 4G, Chương trình còn xác định, tới thời điểm trên, 40% số hộ gia đình hoặc thuê bao cá nhân trên toàn quốc được tiếp cận và sử dụng dịch vụ băng rộng cố định với 60% được kết nối với tốc độ tối thiểu tải xuống là 25Mb/s.
Ngoài ra, dịch vụ băng rộng cố định sẽ được trang bị tại 100% các điểm truy nhập viễn thông công cộng trên cả nước, trong đó ít nhất 50% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu tải xuống là 50Mb/s.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường viễn thông, giảm các thủ tục trong cấp phép viễn thông, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng. Thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, có các cơ chế chính sách minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Mặc khác, thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, công nghệ thông tin trên hạ tầng viễn thông băng rộng đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội như: Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đào tạo từ xa, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật ...
Việc kiểm soát giá cước dịch vụ truy nhập băng rộng cũng sẽ dựa trên cơ sở cạnh tranh, theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện đại đa số của người dùng Việt Nam. Tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận dịch vụ băng rộng, thúc đẩy sự sáng tạo và đa dạng hóa các dịch vụ nội dung.
Nhằm giải quyết khâu sản xuất, lắp ráp thiết bị đầu cuối băng rộng qua đó giảm giá thành, các công nghệ truyền dẫn mạng băng rộng hữu tuyến, vô tuyến là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển.
Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 tạo điều kiện cho tư nhân tham gia thị trường viễn thông
|