Sau khi bùng phát hồi tháng 2/2019 tại hộ chăn nuôi lợn rừng phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lan nhanh trên phạm vi rộng. Trong đó, cao điểm phát sinh dịch bệnh vào các tháng 5, 6 (dịch bệnh phát sinh ở 23.131 hộ, số lượng lợn tiêu huỷ 409.345 con). Dù vậy, từ tháng 7 đến hết năm 2019, dịch bệnh có chiều hướng giảm dần.
Theo số liệu thống kê, toàn TP đã có trên 32.994 hộ chăn nuôi (chiếm 40,91% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã bị dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.808 con (chiếm 29,06% tổng đàn), với trọng lượng 37.155 tấn.
Hiện, trên địa bàn Hà Nội còn 22 xã (chiếm 5%tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. Đã có 427 xã, phường (chiếm 95%) dịch bệnh đã qua 30 ngày. Đến nay, 14 quận, huyện, thị xã dịch bệnh đã qua 30 ngày; 10 huyện (Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh) có trên 90% số xã dịch bệnh đã qua 30 ngày.
Dù đang dần được khống chế, tuy nhiên, Sở NN&PTNT Hà Nội dự báo diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới còn phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao. Nguyên nhân là do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Virus có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn.
Đặc biệt, từ nay đến Tết Canh Tý 2020, nhu cầu sử dung thịt lợn cao, lượng thịt lợn lưu thông, vận chuyển sẽ rất lớn trong khi việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Giá thịt lợn hiện đang cao, trong khi giá hỗ trợ thấp nên người chăn nuôi chưa thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh hoặc khi nhập đàn…
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên đàn lợn và cho người sản xuất. Trong đó, tập trung phối hợp với địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên toàn TP và các điểm ổ dịch, nơi có nguy cơ cao; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, duy trì ứng trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ánh qua đường dây nóng 02433.800.115 để kịp thời xử lý.