Năm 2024, kỳ vọng cú đảo chiều của dòng vốn ngoại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu hồi phục tích cực trong năm 2024, thị trường chứng khoán theo đó được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm trong dài hạn và kéo theo đó là dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm quay trở lại. 

Bán ròng triền miên

Trong năm 2023, dòng tiền ngoại bắt đầu bán ròng từ đầu tháng 4, cường độ có phần gia tăng vào cuối năm. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 12/2023, giá trị bán ròng đã hơn 20.500 tỷ đồng.

Tổng giá trị bán ròng trên sàn HOSE kể từ đầu tháng 4 tới 26/12 là 314 tỷ đồng, nối dài chuỗi bán ròng liên tiếp lên con số 20 phiên (ảnh minh họa).
Tổng giá trị bán ròng trên sàn HOSE kể từ đầu tháng 4 tới 26/12 là 314 tỷ đồng, nối dài chuỗi bán ròng liên tiếp lên con số 20 phiên (ảnh minh họa).

Tính riêng trong chuỗi 19 phiên gần nhất (29/11-25/12), dòng tiền ngoại rút khỏi sàn HOSE là 11.042 tỷ đồng, gồm 9.543 tỷ đồng cổ phiếu và 1.493 tỷ đồng ETF nội. Diễn biến này khác biệt với hai đợt bán vào tháng 10/2020 và tháng 3/2021, song tương đồng với diễn biến 3 đợt gần đây. Tiền ngoại đồng loạt rút khỏi cổ phiếu niêm yết trên HOSE và những chứng chỉ quỹ ETF nội.

Mặc dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch, nhưng việc khối ngoại duy trì bán ròng liên tục là yếu tố gây ra tâm lý thận trọng đối với dòng tiền nội và là tác nhân chính cản trở đà phục hồi của thị trường chứng khoán.

Một số nhận định cho rằng, dòng vốn ngoại chỉ bán ròng cục bộ do động thái cơ cấu danh mục, không tác động quá lớn tới thị trường chung. Trong đó, sự ảnh hưởng từ diễn biến rút vốn mạnh mẽ ra khỏi thị trường Trung Quốc khiến hoạt động luân chuyển vốn trên khu vực và toàn cầu trở nên rõ nét hơn.

Phân tích nguyên nhân khiến khối ngoại rút ròng mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, dòng tiền ngoại liên tục bán ròng thời gian gần đây, bất chấp việc áp lực tỉ giá đã hạ nhiệt xuất phát từ sự đối lập, lệch pha giữa các thị trường tài chính trên thế giới. Theo đó, việc FED phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành và dự báo 3 đợt giảm lãi suất trong năm tới đã kéo các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ tăng điểm mạnh. Thậm chí, có chỉ số chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử. Có thể thấy, thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản đang “vượt trội” so với phần còn lại. Điều này khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các thị trường vốn đang có hiệu suất tốt và xu hướng tăng mạnh như thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường Nhật Bản.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu suất không tốt trong giai đoạn từ cuối tháng 9 tới nay, doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, lãi suất huy động giảm, thậm chí lãi suất gửi USD không có lãi…  Điều đó khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ, có xu hướng rút ròng và tìm kiếm cơ hội ở những thị trường thuận lợi hơn.

Còn theo Trưởng nhóm phân tích thị trường chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BCS) Bùi Nguyên Khoa, không riêng gì Việt Nam, hầu hết các nước đang phát triển như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, Trung Quốc… cũng đang ghi nhận những đà rút ròng với khối lượng lớn của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Bản chất là do dòng tiền luôn vận động để tìm khu vực có hiệu suất cao hơn, an toàn hơn.

Nhiều yếu tố hút nhà đầu tư

Dù vậy, nội tại nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khả quan mở ra triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Đỗ Bảo Ngọc đánh giá, nhìn từ góc độ vĩ mô, mặc dù gặp rất nhiều yếu tố bất lợi đến từ cả trong và ngoài nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc top đầu trong khu vực châu Á và được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong những năm tới. Là đất nước được rất nhiều nền kinh tế lớn quan tâm và là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán theo đó được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm trong dài hạn và kéo theo đó là dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm quay trở lại. 

Cùng với đó, những thông tin mang tính lan tỏa cao như triển khai hệ thống KRX, ước tính kết quả kinh doanh quý 4 và kế hoạch kinh doanh 2024 xuất hiện được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường có sự bứt phá và thanh khoản tăng trở lại trong thời gian tới. Động lực tiếp theo, đó là việc Chính phủ quyết liệt về việc nâng hạng thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, bên cạnh các yếu tố hấp dẫn về định giá, tính minh bạch, Việt Nam cần sớm áp dụng hệ thống công nghệ mới để có đầy đủ các sản phẩm mới giúp nhà đầu tư có đủ công cụ để phòng ngừa rủi ro; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tạo hàng hóa chất lượng cho thị trường, giúp tăng nhanh quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh quá trình mở room cho nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện… để tăng hấp dẫn và thu hút vốn ngoại.

Còn theo giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank Trần Hoàng Sơn, điều quan trọng lúc này đó là chi phí vốn của nền kinh tế cần tiếp tục giảm, các ngân hàng giảm được chi phí vốn bình quân mới có thể giúp giảm lãi suất cho vay dần hạ xuống. Xu hướng hạ lãi suất tiền gửi trong quý III và IV/2023 có thể sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp chi phí huy động vốn của các ngân hàng giảm nhanh. Diễn biến này có thể là tiền đề giúp nền lãi suất năm 2024 tiếp tục hạ. Thêm vào đó, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn nghiêng về xu hướng nới lỏng để kích thích tăng trưởng. Khi chính sách hạ lãi suất điều hành được kích hoạt; lãi suất cho vay hạ trên các sản phẩm, trong đó có lãi vay giao dịch ký quỹ sẽ là yếu tố cần thiết để kích hoạt dòng vốn quay trở lại thị trường một cách mạnh mẽ.