Năm 2024, nâng “chất” thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều sóng gió, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã phục hồi tích cực. Với một khung khổ pháp lý hoàn thiện và chặt chẽ hơn, năm 2024, thị trường được kỳ vọng sẽ thay đổi theo hướng lành mạnh hơn, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp cải thiện trở lại

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch. Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu; chỉ đạo đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành từ ngày 19/7/2023… 

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Nhờ đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những phát triển vượt bậc, nhất là về khối lượng phát hành cũng như gia tăng số nhà đầu tư, đóng góp thiết thực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch. Từ quý II/2023, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai. Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ; khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng.

Năm 2023, có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 235,9 nghìn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân hàng thương mại chiếm 54,5%; nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8%; các doanh nghiệp cũng mua lại 230 nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 5,8% so với năm 2022.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của năm chứng khoán vừa qua là sự ra đời của sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng cường tính minh bạch cho thị trường trái phiếu, hiện nay đã có hơn 800/1.000 mã trái phiếu được niêm yết và giá trị giao dịch cũng đã tăng hơn 4 lần.

Phó Giám đốc Phòng thị trường trái phiếu, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) Trần Trọng Kiên cho biết: “HNX đang thực hiện giai đoạn 2 của thị trường riêng lẻ, hoàn thành trong năm 2024, cung cấp kênh kết nối trực tuyến công ty chứng khoán, thêm dịch vụ mới cho nhà đầu tư”.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Đức Chi cho biết, Bộ cũng đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường như chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sở Giao dịch chứng khoán chịu trách nhiệm rà soát việc chấp hành quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp... Đồng thời Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, có đơn thư phản ánh để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này.

Tăng cường quản lý, giám sát

Mặc dù đã được cải thiện nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có vấn đề về minh bạch thông tin, việc tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; việc thực hiện các cam kết với nhà đầu tư; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, tình hình thế giới có nhiều bất ổn, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn… 

 

Để phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần sự chung tay góp sức không chỉ từ phía chính sách quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn phụ thuộc vào nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Đức Chi nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Đức Chi, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác… đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.

Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các doanh nghiệp trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.

Đối với hoạt động kiểm tra , giám sát, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đơn vị chức năng tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm.