Các tàu cá lắp đặt thiết bị VMS gần 100%
8 tháng đầu năm, toàn tỉnh Nam Định có 1.714 tàu cá, trong đó có 548 tàu dài dưới 6m, 330 tàu từ 6m đến dưới 12m, 287 tàu từ 12m đến dưới 15m, 549 tàu từ 15m trở lên; tổng số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển là 5.287 người.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định, đến hết tháng 8/2024, có 1.166/1.166 tàu có chiều dài 6m trở lên đã đăng ký và được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (Vnfishbase) và đạt 100%. Nhưng hiện mới chỉ có 1.042/1.166 tàu đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản, còn 124 tàu chưa đủ điều kiện cấp giấy phép, do tàu hết hạn đăng kiểm hoặc tàu đang cải hoán. Hiện, 124 tàu này đều đang nằm bờ không đi hoạt động khai thác trên biển và 100% tàu cá đã thực hiện đánh dấu (1.156/1.156 tàu) và đang hoạt động tốt; 99 tàu hết hạn đăng kiểm do chủ tàu chưa làm thủ tục đăng kiểm lại; 737/836 tàu còn hạn đăng kiểm. 516/549 tàu còn hạn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 32 tàu chưa đủ điều kiện cấp chứng nhận do các chủ tàu chưa có nhu cầu thực hiện.
"Đến ngày 26/8, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 540/549 tàu đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,36%. Còn 9 tàu đã đăng ký, nhưng chưa lắp thiết bị VMS do chủ tàu chưa có nhu cầu hoạt động, hiện 9 tàu này đang nằm bờ không đi hoạt động", Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định thông tin.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, từ đầu năm 2024 đến ngày 10/8, đã ghi nhận có 2.379 lượt tàu thông báo cập cảng cá, bến cá; 506 lượt tàu/894,32 tấn thủy sản được giám sát tại cảng cá Ninh Cơ và cảng cá Thành Vui; 1.873 lượt tàu/2.592,12 tấn thủy sản (theo nhật ký khai thác) tại các bến cá tư nhân, truyền thống trong tỉnh.
Tỷ lệ sản lượng đã giám sát/sản lượng khai thác của cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 894,32 tấn/3.486,44 tấn (25,65%).
Hiện tại, chưa có tổ chức hay cá nhân nào đề nghị làm thủ tục xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định sẽ thường xuyên rà soát, thông báo danh sách tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU như tàu cá hết hạn đăng kiểm, chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, chưa có giấy phép khai thác thủy sản, không duy trì hoạt động của thiết bị VMS, chưa lắp thiết bị VMS để gửi các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh cùng phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý, không cho các tàu cá ra khơi khi chưa đủ các giấy tờ, thủ tục theo quy định.
Xử phạt nhiều tàu cá vi phạm khai thác IUU
Các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định cho biết, đến nay không có tình trạng tàu cá của ngư dân tỉnh Nam Định hoạt động khai thác trái phép vùng biển nước ngoài hoặc bị nước ngoài bắt giữ; chưa phát hiện các vụ việc liên quan đến ngư dân móc nối hoặc đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh, các địa phương ven biển vẫn ghi nhận có tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU. Cụ thể, trong 8 tháng dầu năm, tỉnh Nam Định đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,2 tỷ đồng với 108 vụ và 111 đối tượng.
Trong đó, UBND huyện Nghĩa Hưng đã xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng với 1 vụ và 1 đối tượng về lỗi vi phạm "không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng".
UBND huyện Hải Hậu xử phạt vi phạm hành chính hơn 372 triệu đồng 14 vụ và 15 đối tượng, với các lỗi vi phạm như: không có giấy chứng nhận cơ đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình.
Qua đó, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định đã xử phạt vi phạm hành chính trên 333 triệu đồng/56 vụ/56 đối tượng. Các lỗi vi phạm chủ yếu: không thông báo các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời cảng cá theo quy định; tàng trữ công cụ kích điện; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m…
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định cũng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 527 triệu đồng 37 vụ và 39 đối tượng. Các lỗi vi phạm chủ yếu: giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn, giấy phép khai thác thuỷ sản hết hạn, tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép, thuyền trưởng không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Để xảy ra tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định cho rằng, do ý thức của ngư dân về chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác còn nhiều hạn chế, vì lợi ích kinh tế vẫn còn tư tưởng trốn tránh. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu xuất bến, nhập bến chưa đạt 100%.
Chính quyền cấp xã, cấp huyện chưa vào cuộc quyết liệt để xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về chống khai thác IUU ngay tại địa phương mình quản lý, vẫn còn thiếu quyết liệt và chưa thống nhất đồng đều giữa các địa phương.
Lực lượng kiểm soát, kiểm tra trên biển còn mỏng, phương tiện, lực lượng còn hạn chế, vì tỉnh Nam Định mới chỉ có 1 tàu thuộc biên chế Thanh tra Sở NN&PTNT đã quá cũ, không hoạt động thường xuyên liên tục được.
Tỷ lệ xử lý vi phạm về ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển còn thấp so với các vụ vi phạm, chủ yếu mới dừng lại ở việc lập biên bản xác minh, chưa xử lý đến cùng những dấu hiệu vi phạm ngay tại địa phương.