Thế nhưng, “thuốc đắng không giã được tật”, nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm.
Lỗi của cả hệ thống
Theo quy định của luật giao thông, người điều khiển, người ngồi sau xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện (trẻ em từ 6 tuổi trở lên) khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm. Đối với học sinh vi phạm luật giao thông, theo quy chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT và Công an TP Hà Nội, ngoài việc xử lý hành chính (đối với học sinh đủ 16 tuổi), lực lượng chức năng sẽ tổ chức lập danh sách, gửi thông báo về nhà trường để phối hợp xử lý. Thế nhưng, có một thực tế đang tồn tại đó là, lực lượng chức năng cứ xử phạt, gửi thông báo về trường, còn việc nhà trường xử lý ra sao lại như bỏ ngỏ. Bởi, vì chạy theo thành tích, không ít cơ sở giáo dục đã bỏ qua việc xử lý các trường hợp vi phạm.
Lực lượng CSGT Đội 4 xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại nút Lê Thanh Nghị - Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Tuấn Anh |
Nhiều ý kiến trong các cuộc họp về an toàn giao thông cho rằng, bên cạnh sự thiếu quyết liệt của các cơ sở giáo dục, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông xuất phát từ chính gia đình. Để tạo điều kiện cho việc đi lại, học tập, nhiều gia đình đã trang bị cho con những chiếc xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí là giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi. Thế nhưng, việc thiếu giám sát, nhắc nhở của các bậc phụ huynh, cộng với tâm lý thích thể hiện, luôn muốn tạo ra sự khác biệt giữa đám đông nên tình trạng học sinh điều khiển phương tiện đầu trần diễu phố, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn diễn ra như cơm bữa.
Đừng để tình cảm lấn át ý chí
Liên quan đến vấn đề phối hợp xử lý học sinh vi phạm luật giao thông, năm 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần đối với những trường hợp tái phạm nhiều lần. Tại thời điểm đó, quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần to lớn làm thay đổi nhận thức, thói quen, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, nhắc nhở các em học sinh chấp hành các quy định của luật giao thông. Thế nhưng, hy vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều, sau khi hứng chịu những luồng ý kiến trái chiều, Sở GD&ĐT Hà Nội đã buộc phải điều chỉnh lại mức xử phạt theo các quy định riêng của ngành giáo dục. Và cũng từ đây, câu chuyện xử lý, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nghiên cứu của Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cầu Đường (trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) PGS.TS Chu Công Minh cho thấy, tỷ lệ TNGT (vụ/học sinh) của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất khoảng 0,5 vụ/học sinh. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện. Đáng chú ý, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện gây ra. Điều này đã lý giải phần nào việc Ủy ban ATGT Quốc gia đã chọn chủ đề của năm 2017 là “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” và phấn đấu tiếp tục giảm tai nạn giao thông trên 5% ở cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2016. Thế nhưng, nếu chỉ trông chờ vào việc xử lý trên đường của các lực lượng chức năng là chưa đủ, điều quan trọng nhất các bậc phụ huynh, cơ sở giáo dục cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đừng để tình cảm lấn át lý chí trong việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ.