KTĐT - Chùa Hương là điểm đến đầu tiên, điểm đón khách du lịch trong nước và quốc tế sớm nhất trong năm 2010 đầy ý nghĩa này.
Khi đất trời bước sang Xuân, cùng với các nhà du lịch, chúng tôi hành hương về đất Phật chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cầu mong sự an lành, may mắn trong năm mới.
Chuyến hành hương này cũng là dịp để các nhà du lịch chiêm nghiệm thực tế, quảng bá cho loại hình du lịch tâm linh, du lịch lễ hội đang được ưa chuộng nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Năm Du lịch quốc gia 2010.
Như vậy, chùa Hương là điểm đến đầu tiên, điểm đón khách du lịch trong nước và quốc tế sớm nhất trong năm 2010 đầy ý nghĩa này.
Chọn thời điểm về đất Phật trước mùa lễ hội, đó cũng là cơ may khi chúng tôi được tận hưởng sự thư thái, được vãn cảnh chùa chiền, núi non và không phải chứng kiến cảnh tắc đường, chen lấn như các mùa hội trước.
Dòng suối Yến mênh mang nước, hiền hòa dưới sắc trời sắp sang Xuân và giữa muôn trùng núi non, cây cỏ. Cảnh sắc dường như giữ được vẻ hoang sơ vốn có, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Trong những con đò nằm san sát bến Yến, thấp thoáng những con đò xanh màu nước sơn mới, có lắp ghế ngồi cho khách.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, đó là những chiếc đò chất lượng cao được đưa vào phục vụ khách mùa lễ hội này nhằm hạn chế sự quá tải như những mùa lễ hội trước.
Trên những triền núi, những thửa ruộng hai bên, sương sớm còn bảng lảng như một lớp mây mờ khiến đất Phật càng thêm huyền ảo, linh thiêng. Sau khi đi qua đền Trình, thuyền đưa chúng tôi đến bến Trò để lên vãn cảnh, khấn Phật chùa Thiên Trù.
Đây là ngôi chùa chính trong quần thể di tích chùa Hương, tọa lạc trên khu đất thuộc thung Mang, được khởi dựng từ thời vua Lê Thánh Tông.
Chùa Thiên Trù uy nghiêm, trầm mặc với hệ thống các di tích Tam bảo Thiên Trù, Long đao gác chuông, Nam Thiên môn Thiên Trù, Nhà bia Dốc Trò, Tổ đường, Viên Công bảo tháp uy... đã ngả màu rêu phong.
Đại đức Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương cho biết: “Trong dịp lễ hội năm nay, nhiều hoạt động Phật giáo sẽ được tổ chức tại chùa Hương như khai mạc phòng triển lãm mỹ thuật Phật giáo và Bảo tàng Phật giáo, các hoạt động văn hóa, các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Phật giáo Thăng Long… để các phật tử, bà con thập phương hiểu về chùa Hương và cảm thấy đi hội là hoạt động không thể thiếu trong tâm thức mỗi người”.
Ngồi trên hệ thống cáp treo để vào chùa Giải Oan và động Hương tích, du khách có thể thưởng ngoạn toàn cảnh núi rừng Hương Sơn hùng vĩ, thơ mộng, thấp thoáng những cửa động, mái chùa cổ kính và dòng người trảy hội.
Nhưng trẩy hội chùa Hương với tâm niệm thành tâm với cửa Phật, thì việc phải vất vả chống gậy gắng sức leo trên những bậc đá, mồ hôi toát ra nhưng bụng vẫn vui, miệng khấn “Nam mô” mới đích thực là trảy hội về đất Phật, do đó nhiều Phật tử, du khách lựa chọn đường bộ hơn là ngồi cáp treo.
Tới động Hương Tích, du khách có thể ngắm cảnh hùng vĩ của một Nam Thiên đệ nhất động, có thể cầu khấn Phật ban phước cho mình một cách thư thái. Đây là nơi Bồ Tát Quán Thế Âm tu hành chính quả và cũng là điểm tham quan du lịch chính của Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn.
Gặp chị Nguyễn Trúc Hà, định cư tại Tiệp Khắc, đi lễ chùa Hương nhân dịp về nước ăn Tết, chị cho chúng tôi biết: “Sau 7 năm xa quê, lần về nước này tôi lại đi chùa Hương và đây là lần thứ 6 tôi đến nơi này. Tôi thẩy chùa Hương là một thắng cảnh đẹp. Lần này tôi cảm nhận công tác quản lý ở chùa Hương có nhiều thay đổi, sạch sẽ hơn, đi lại thuận lợi hơn.”
Đến đất Phật, du khách có thể tham quan nhiều đền chùa, chùa động khác, có thể kéo dài 2-3 ngày. Ông Nguyễn Dấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Hà Nội cho biết, khi trảy hội chùa Hương, du khách có thể tham gia vào 3 tuyến du lịch để khám phá văn hóa, lịch sử, cảnh quan đất Phật.
Tuyến thứ nhất tham quan khu Thiên Hương gồm 8 điểm đến là đền Trình-Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, động chùa Hương Tích, động Hinh Bồng và động Đại Binh. Tuyến thứ hai tham quan khu Thanh Hương và Long Vân gồm chùa động Thanh Sơn-Hương Đài, chùa Long Vân, hang Thánh Hóa, động chùa Cây Khế và hang động Người Xưa.
Tuyến thứ ba là tham quan khu chùa Bảo Đài và động chùa Tuyết Sơn gồm 4 di tích, danh thắng: chùa Bảo Đài, động chùa Long Vân (chùa Tuyết), chùa Ngư Trì (chùa Cá) và đền Trình Phú Yên.
Là một khu du lịch tâm linh, đặc biệt nơi này diễn ra một lễ hội lớn, từ đầu tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, hàng năm chùa Hương thu hút trên 1,26 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, khấn Phật trong đó trên 26.000 lượt khách quốc tế.
Chùa Hương cũng là điểm du lịch chính trong các tour du lịch lễ hội đầu năm được các công ty lữ hành chào bán cho khách trong nước cũng như quốc tế.
Không chỉ tập trung ở thị trường các tỉnh miền Bắc, những năm gần đây du khách các tỉnh miền Nam cũng như thị trường các nước Á, Âu, Mỹ cũng tìm đễn chùa Hương lễ Phật, tham quan.
Anh Madthigs, khách du lịch Đức nhận xét: “Đây là lần đầu tiên tôi đến chùa Hương và tôi thấy nơi này rất đẹp, chụp ảnh rất thích. Tôi cũng có hai tuần ở Việt Nam nên sẽ đến nhiều điểm du lịch của đất nước các bạn.”
Mặc dù những năm gần đây, lễ hội chùa Hương được tổ chức với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, đưa nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ vào phục vụ làm tăng tính phong phú của lễ hội, nhưng như lời ông Ứng Trọng Tú, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội, mặc dù sức hấp dẫn của điểm du lịch tâm linh chùa Hương với khách rất cao nhưng sự phối hợp giữa Ban tổ chức lễ hội với nhà chùa chưa chặt chẽ trong công tác dịch vụ.
Bởi vậy khách du lịch nội địa hành hương về chùa Hương để lễ Phật và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa chưa nhiều do chưa có điểm nhấn để du khách có cái nhìn đích thực về văn hóa tâm linh; điều này đặc biệt xảy ra đối với khách nước ngoài./.