Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm Nga làm chủ tịch, các quốc gia "ồ ạt" tham gia BRICS

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của IMF, BRICS mở rộng hiện đã vượt qua G7 xét về GDP tính theo sức mua tương đương, chiếm khoảng 36% tổng GDP toàn cầu.

Ả Rập Saudi hôm 1/1 đã chính thức thông báo gia nhập nhóm BRICS +, theo truyền hình quốc gia nước này đưa tin.

Ngoài Ả Rập Saudi, hiện nay còn có Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE tham gia. 
Ngoài Ả Rập Saudi, hiện nay còn có Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE tham gia. 

Riyadh đã đàm phán về việc gia nhập nhóm trong nhiều tháng, với việc Bộ trưởng Ngoại giao - Hoàng tử Faisal bin Farhan tuyên bố vào tháng 8/2023 rằng tất cả các chi tiết về động thái này được đánh giá trước khi đưa ra “quyết định phù hợp”.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết nhóm BRICS là “một kênh có lợi và quan trọng” để tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên.

BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chào đón 5 thành viên vào ngày đầu năm mới. Ngoài Ả Rập Saudi, hiện nay còn có Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Một thành viên tiềm năng khác là Argentina đã đột ngột thay đổi kế hoạch gia nhập.

Nhóm dự kiến sẽ còn phát triển lớn hơn nữa vào cuối năm nay, với việc Venezuela đang tìm cách trở thành thành viên thường trực tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo ở Nga vào tháng 10/2024.

Moscow đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên theo năm của BRICS trong năm nay, với việc Tổng thống Vladimir Putin cam kết “tạo điều kiện cho sự hội nhập hài hòa” của các đối tác mới. Ông Putin lưu ý rằng khoảng 30 quốc gia khác đã bày tỏ ý định tham gia vào các hoạt động của nhóm dưới nhiều hình thức.

Theo RT, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng đề cấp tới vấn đề này với ấn bản tiếng Tây Ban Nha của tờ Le Monde Diplomatique được công bố hôm 1/1, khẳng định BRICS đại diện cho “tương lai của nhân loại” nhờ sức mạnh kinh tế to lớn.

Theo số liệu của IMF, BRICS mở rộng hiện đã vượt qua G7, nhóm không chính thức gồm các nước phương Tây hàng đầu, xét về GDP tính theo sức mua tương đương, chiếm 36% tổng GDP thế giới.

Trước đó vào hôm 1/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn đang thu hút thêm sự hỗ trợ từ “các quốc gia có cùng chí hướng” chia sẻ các nguyên tắc cơ bản, trong bối cảnh Nga đảm nhận chức chủ tịch khối vào năm 2024.

Trong tuyên bố do Điện Kremlin công bố, ông Putin cho biết những nguyên tắc cơ bản này là “sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển đã chọn, cân nhắc lợi ích lẫn nhau, cởi mở, đồng thuận, khát vọng hình thành một trật tự quốc tế đa cực và một nền tài chính và thương mại toàn cầu công bằng, theo đuổi các giải pháp chung để giải quyết những thách thức hàng đầu của thời đại.”

Ông cho biết phương châm của BRICS dưới sự chủ trì của Nga sẽ là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”.

Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định Moscow sẽ tập trung vào hợp tác tích cực và mang tính xây dựng với tất cả các nước liên quan, đồng thời tuân theo phương châm của Khối.

Theo ông Putin, BRICS sẽ xem xét để khoảng 30 quốc gia chuẩn bị tham gia chương trình nghị sự đa chiều “dưới hình thức này hay hình thức khác”, đồng thời cho biết Khối sẽ bắt đầu nghiên cứu phương thức của một hạng mục mới dành cho các nước đối tác.

Ông Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy tất cả các khía cạnh của quan hệ đối tác BRICS trong ba lĩnh vực chính: chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, cũng như các mối liên hệ văn hóa và nhân đạo.

"Ưu tiên của chúng tôi bao gồm thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên và xã hội dân sự”, Tổng thống Nga cho biết. 

“Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại (thành phố Kazan của Nga) vào tháng 10 sẽ là thời điểm vai trò chủ tịch phát huy ở mức cao nhất. Khi Nga đảm nhận vai trò này, Moscow mong muốn được hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia trong quỹ đạo BRICS”, ông nói thêm.