Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nắm tay con trẻ trong “thế giới ảo”

An Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đến khi nghi phạm Đào Ngọc Hoàng bị công an Nghệ An bắt giữ mà từ rất lâu rồi làm thế nào để quản lý học sinh chơi game đã và đang là vấn đề lớn mà ngành giáo dục đã có khá nhiều văn bản, chỉ thị triển khai. Để cho bạn đọc có một góc nhìn rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cô Phan Thị Chân Lý, Hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt (Đống Đa, Hà Nội)

 Cô Phan Thị Chân Lý
Thưa cô hiệu trưởng, là nhà quản lý giáo dục, theo cô làm thế nào để quản lý được việc học sinh ngày càng dán mắt vào màn hình điện thoại?
- Đó là một thực tế mà các nhà trường chúng tôi đang đau đầu. Dù các em chơi game ở nhà, ngoài giờ học trên lớp nhưng nếu sa đà vào đấy, sẽ ảnh hưởng đến việc học hành và có thể đem đến những hậu quả lớn hơn như chúng ta đã biết. Nhưng trong kỷ nguyên internet thì chúng ta không thể cấm tiệt trẻ em chơi điện tử, nhất là khi sân chơi ngày càng thu hẹp thì nhu cầu giải trí của học sinh là có thật. Có điều cả gia đình, nhà trường và xã hội phải chung tay định hướng cho các em học sinh.
Cô có thể nói rõ hơn?
- Ở trường, tuyệt đối học sinh không được chơi điện tử trên điện thoại, đó là quy định cứng rồi. Nhưng nhà trường, gia đình cần có quy định thời gian và nội dung game mà các con được chơi, bố mẹ cần có sự giám sát con cái, theo dõi loại game nào con mình chơi. Tuyệt đối không sa vào game cờ bạc, bạo lực, khuyến khích các con tham gia các trò chơi trí tuệ, phát triển trí não, giúp các con nhanh tay nhanh mắt. Tôi cũng nhất trí, bản thân game không có tội.
Đúng là để giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề, câu chuyện không chỉ là công việc của nhà trường?
- Chính xác. Ở trong trường các con là học sinh, nhưng ra đường lại là một công dân, về nhà là con của gia đình. Trước một vấn đề lớn của xã hội thì cả gia đình, nhà trường và xã hội phải chung tay định hướng cho các con khi bước chân vào “thế giới ảo”, ngay cả nhà báo cũng phải chung tay (cười vui vẻ).
Xin cảm ơn cô!