Qua rà soát, Nam Từ Liêm có 46 cơ sở kinh doanh trái cây, trong đó loại hình kinh doanh cá thể là 19 cơ sở, Công ty có 27 cơ sở. Nhằm hỗ trợ các cửa hàng trong công tác thương hiệu, đồng thời tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Đề án kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội đến nhân dân, UBND quận Nam Từ Liêm đã hỗ trợ 200 chiếc túi giấy có in logo nhận diện của Đề án cho mỗi cửa hàng được gắn biển trong đợt 1 năm 2017.
Thời gian tới, quận Nam Từ Liêm sẽ tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư trên địa bàn quận theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, người kinh doanh, người quản lý trong đảm bảo chất lượng, ATTP đối với sản phẩm trái cây. Nâng cao ý thức của người dân trong việc nhận biết và sử dụng các sản phẩm trái cây an toàn, đảm bảo sức khỏe. 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện theo quy định. Phấn đấu trong năm 2018, 100% cửa hàng trái cây trên địa bàn có đăng ký kinh doanh, có biểu hiện nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng....
Trước đó, để triển khai thực hiện Đề án quản lý kinh doanh trái cây trên địa bàn, UBND TP đã phê duyệt phạm vi, đối tượng của Đề án là các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây, bao gồm: các hộ kinh doanh, hợp tác xã, công ty, tập đoàn.... tại các khu dân cư, không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đề án trái cây đặt ra 4 nhóm điều kiện với các cửa hàng kinh doanh trái cây, bao gồm: điều kiện kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây. Các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được nhận diện là có sản phẩm trái cây được cấp biển nhận diện. Cụ thể, của hàng chuyên doanh trái cây phải tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật, các khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Tách biệt khu vực vệ sinh với khu vực bảo quản, khu vực kinh doanh trái cây; có thiết bị, dụng cụ vận chuyển, bảo quản trái cây đáp ứng các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Có thiết bị, dụng cụ sơ chế, chứa đựng, bao gói, bày bán trái cây đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; khuyến khích bao gói trái cây bằng các vật liệu tự nhiên thân thiện với môi trường để đảm bảo quá trình hô hấp tự nhiên tránh va đập, dập nát. Phải có dụng cụ thu gom chất thải, rác thải có nắp đậy và lưu trữ ở khu vực riêng biệt, Cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp (có trái cây) phải có đủ diện tích để bố trí các khu vực bày bán trái cây, chứa đựng, bảo quản và thuận tiện vận chuyển; đảm bảo các điều kiện về vệ sinh khu vực bày bán trái cây.
Ngoài ra, Đề án còn đặt ra điều kiện người kinh doanh trái cây phải đảm bảo sức khỏe theo quy định; trái cây phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mỗi lô hàng nhập về đều có giấy tờ, hóa đơn, nhập dự liệu về cơ sở cung cấp; đảm bảo các chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.