Huy động vốn tăng cao, tín dụng tăng thấp
Báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội cho thấy, năm 2013, huy động vốn trên địa bàn tăng gần 15,4%, trong khi tín dụng chỉ tăng 8,01%. Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Agribank Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngân hàng đã "đốt đuốc" đi tìm, nhưng cũng không thấy được nhiều doanh nghiệp (DN) có phương án kinh doanh tốt để cho vay. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng không thể mở rộng được. Bên cạnh đó, việc hình sự hóa hoạt động tín dụng cũng khiến cán bộ ngân hàng ngần ngại khi cho vay.Tín dụng hiện vẫn là kênh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng. Bởi vậy, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn, các ngân hàng đang phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí giành giật nhau trong hoạt động cho vay. "Mấy tháng gần đây, tôi liên tục nhận được điện thoại mời vay vốn của các ngân hàng. Có ngân hàng lãi suất cho vay thậm chí ở mức 0%" - bà Nguyễn Thị Linh - Giám đốc một DN nhỏ ở quận Thanh Xuân - Hà Nội cho hay.
Khách hàng giao dịch tại một Chi nhánh của VPbank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|
Sức ép của hoạt động bán vốn đã khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng lo ngại về nguy cơ phải giảm chuẩn cho vay. Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho hay, sức ép giảm chuẩn tín dụng là vấn đề đang được nhiều DN đặt ra. "DN vừa đòi lãi suất thấp, vừa đòi nới lỏng tín dụng. Sức ép của thị trường sẽ khiến các ngân hàng phải giảm chuẩn tín dụng, cắt giảm bớt tài sản đảm bảo. Đây là rủi ro lớn với ngành ngân hàng trong 2 năm tới" - ông Vinh cảnh báo.
Đại diện NHNN cho biết, năm 2014, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm tối đa các chi phí như: Chi phí quản lý, quảng cáo, khuyến mại… để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tuy nhiên, NHNN cũng khẳng định, tổ chức tín dụng phải tìm cách giảm tối đa lãi suất cho vay nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tài chính. Các ngân hàng cũng cần cân đối các chi phí áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay.
Linh hoạt hạn mức tín dụng
Năm 2014, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14%. NHNN cũng sẽ phân chia hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng như năm 2013. Về vấn đề đưa ra hạn mức (room) tín dụng cho từng ngân hàng, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank kiến nghị, NHNN cần linh hoạt trong việc đưa ra hạn mức tín dụng. Bởi thực tế, có những ngân hàng mới nghe tưởng được tăng room tín dụng khoảng 17 - 18% là lớn. Tuy nhiên, nếu vốn điều lệ nhỏ thì tỷ lệ tăng trưởng được giao có lớn thì con số "cứng" vẫn rất thấp. Bởi vậy mà nhiều ngân hàng nhỏ dù tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, cứ đến cuối năm, lại phải căn ke để tăng trưởng tín dụng không vượt quá tỷ lệ mà NHNN cho phép. Để giải quyết vấn đề này NHNN nên cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với ngân hàng nhỏ để các ngân hàng này cải thiện sức cạnh tranh và phát triển kinh doanh.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Agribank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
|
Trước lo lắng của các ngân hàng, ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN khẳng định, cơ quan này sẽ có chính sách phù hợp để thúc đẩy tín dụng phát triển. Đặc biệt, với các tổ chức tín dụng lành mạnh, NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng ở mức phù hợp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống. Tuy nhiên, các ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn cho vay.
Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014 ngày 15/1/2014 cũng cho thấy, hạn mức tăng trưởng cụ thể của từng ngân hàng sẽ được điều chỉnh phù hợp với khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu của từng ngân hàng.