Và với đội bóng của họ, đó thật sự là một tổn thất ghê gớm. Thêm một lần nữa dư luận phải gióng lên hồi chuông báo động về việc, các ngôi sao hàng đầu đang bị vắt kiệt sức lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho những cỗ máy kiếm tiền ở châu Âu.
Nỗi hận mang tên chấn thương
Chứng kiến trình diễn kém cỏi của hàng công đội tuyển Anh trước thềm World Cup hẳn những người yêu mến bóng đá của xứ sở này đang lên cơn sốt. Họ cảm thấy tiếc khi mà Theo Walcott không thể đến Brazil vì chấn thương. Họ cảm thấy choáng váng khi chứng kiến cảnh Alex Oxlade-Chamberlain chấn thương đầu gối ở trận hòa Ecuador 2 - 2 vừa qua. Họ lo lắng khi Rooney đang chạy những bước đi mệt nhọc trên sân do đã bị vắt kiệt sức lực trong màu áo M.U. Có lẽ, người Anh giờ phải thay đổi quan niệm về giải “đấu hấp dẫn nhất hành tinh” ở đất nước mình. Giải Ngoại hạng kiếm bộn tiền, nhưng đội tuyển Anh chưa bao giờ mạnh vì chấn thương, vì mỗi cầu thủ luôn coi mình là tiểu vũ trụ.
Đội tuyển Anh nhọc nhằn đến Brazil. Đội tuyển Hà Lan cũng bị tổn thất khá lớn trước ngày khai mạc World Cup. Cách đây không lâu, BHL đội bóng màu da cam phải gạch tên cầu thủ dạn dày kinh nghiệm trận mạc Van der Vaart do chấn thương trong một buổi tập luyện trước thềm World Cup. Và đến thời điểm này, ngôi sao sáng nhất của bóng đá Hà Lan là Robin van Persie cũng chưa hoàn toàn bình phục chấn thương.
Cay đắng nhất phải kể đến người Pháp. Niềm hy vọng lớn nhất của họ là Ribery đã phải trở về nước vì chấn thương. Không Ribery, tuyển Pháp không còn những cầu thủ có thể xoay chuyển cục diện trận đấu. Cùng cảnh ngộ với Ribery là siêu sao Radamel Falcao. Niềm hy vọng số 1 của Colombia đã phải chia tay World Cup vì chấn thương. Và điều này khiến cho đội bóng Nam Mỹ xiêu vẹo trước thềm World Cup, bởi ngoài khả năng ghi bàn thiên bẩm, Radamel Falcao là biểu tượng, niềm tự hào của bóng đá Colombia.
Các bác sĩ lý giải rằng, việc ngày càng có nhiều cầu thủ bị chấn thương là do thể trạng của họ quá yếu sau một mùa giải căng thẳng và kéo dài ở CLB. Bây giờ, mỗi cầu thủ trụ cột thường phải thi đấu hàng chục trận đấu trong một năm và khi quay lại ĐTQG, họ chỉ còn là những ngọn đèn sắp cạn dầu.
Oxlade-Chamberlain (phải) dính chấn thương đầu gối sau pha va chạm với Carlos Gruezo trong trận giao hữu hòa Ecuador 2 - 2 hôm 4/6.
|
Ám ảnh vẫn còn
Đến thời điểm này, còn rất nhiều cầu thủ khác đang trong giai đoạn dưỡng thương. Đó là Ronaldo của Bồ Đào Nha. Đó là Luis Suarez của Urugoay. Đó là Diego Costa dù đã trở lại sau chấn thương nhưng chưa có được phong độ tốt nhất. Và mới đây nhất, chứng kiến cảnh siêu sao Messi như thể muốn nôn khan trong trận giao hữu với Slovenia, người ta nhận ra rằng, tiền đạo này đang quá yếu sau một mùa bị vắt kiệt sức lực. Nhiều người đang lo ngại rằng, những ngọn đèn sắp hết dầu này có thể tắt ngóm bất cứ lúc nào tại World Cup sắp tới.
Việc các ngôi sao hàng đầu bị lạm dụng sức lực nhằm mục đích kiếm tiền cho CLB, cho UEFA không phải là vấn đề quá mới. Các CLB muốn thi đấu thật nhiều bởi ngoài tiền vé, bản quyền truyền hình, họ còn có nguồn thu từ các hoạt động thương mại. Đương nhiên, UEFA với Champions League và Europa League cũng muốn kéo dài thời gian thi đấu bởi họ sẽ thu về bộn tiền. Thậm chí, trước thềm World Cup, các cầu thủ hàng đầu như Ronaldo, Messi còn nhận lời khuyến cáo của lãnh đạo CLB cũng như nhà tài trợ rằng phải “giữ mình” đừng để bị chấn thương.
Thế nhưng, trước việc hàng loạt cầu thủ bị chấn thương trước thềm World Cup, người ta nhận ra rằng, đã đến lúc, các LĐBĐ cần phải có sự phản biện, thậm chí quy định nhằm bảo vệ sức khỏe cho các cầu thủ, bởi điều đó gắn liền với quyền lợi của ĐTQG.