Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hình ảnh du khách Việt: Chiến dịch dài hơi

Trương Hằng - Thanh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính thức phát động ngày 16/4/2016 trong khuôn khổ VITM 2016, Chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” sau gần một năm triển khai đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt. Giới chuyên môn cho rằng, đây là chiến dịch dài hơi, cần duy trì thường xuyên, liên tục.

Doanh nghiệp giữ vai trò chủ chốt

Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2017 , Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm Chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam – Một năm nhìn lại”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt được triển khai với mong mỏi làm sao để hình ảnh du lịch Việt Nam in đậm trong lòng du khách quốc tế thông qua những hành động đẹp của người dân và chính du khách Việt Nam. Chiến dịch này sau đó đã nhanh chóng tác động, lan tỏa tới tất cả các lĩnh vực khác.

Từ khi phát động, những người làm du lịch, các địa phương, doanh nghiệp, báo chí, đã chủ động, tích cực vào cuộc triển khai chiến dịch trong cả nước, góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt. Tuy nhiên, nhìn lại một năm sau khi phát động chiến dịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bởi, những bất cập, tồn tại về ứng xử của du khách Việt vẫn gây nhức nhối cho cộng đồng như: Không giữ vệ sinh nơi công cộng; chụp ảnh tư thế phản cảm ở các khu di tích, lịch sử; chen lấn, xô đẩy, cướp lộc tại các lễ hội…

Dưới góc độ làm nghề, Trưởng phòng Xúc tiến Phát triển Thị trường - Công ty Lữ hành Hanoi Tourist Nguyễn Hồng Nguyên thẳng thắn cho hay: Khách du lịch Việt Nam vẫn đang mắc những lỗi cơ bản như chưa chấp hành luật lệ giao thông, không chịu xếp hàng, gây tiếng ồn, lấy thừa đồ ăn buffer, xả rác. Đặc biệt, ông Nguyên còn cho biết, khách du lịch Việt Nam dường như vẫn chưa có khái niệm tôn trọng các hướng dẫn viên nói riêng và những người làm dịch vụ du lịch nói chung. “Ít khi có khách nào gọi là ông hướng dẫn viên, ông lái xe mà là thường gọi là thằng hướng dẫn viên, thằng lái xe. Sự tôn trọng với những người làm nghề chúng tôi gần như rất ít”, anh Nguyên buồn rầu chia sẻ.

Trước thực trạng này, bằng một động thái quyết liệt, mới đây Bộ VHTT&DL đã liên tiếp ban hành hai văn bản về Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch. Theo ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Bộ quy tắc đang được đồng loạt triển khai trên hệ thống cả nước, nhằm tạo ra định hướng tốt, gây dựng một môi trường văn minh du lịch, giảm bớt những hành vi tiêu cực. Đồng thời, xây dựng phong trào, nếp sống, hình ảnh mới cho du khách Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước. Từ đó, lan tỏa hành động đẹp để du khách quốc tế đến Việt Nam cũng tôn trọng nếp sống, văn hóa bản địa. Để thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc, ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh, doanh nghiệp, địa phương phải đóng vai trò chủ chốt.

“Chiến dịch” dài hơi

Cùng với Chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Thủ đô Hà Nội cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP… Đây là những tín hiệu tích cực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, để những quy tắc ứng xử văn minh này phát huy tác dụng trong thực tiễn cần sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ các địa phương, người dân, du khách và nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Mới đây, Đà Nẵng đã phát hành 5.000 bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung (trước đó Bộ quy tắc đã có tiếng Anh và tiếng Việt). Phát video quy tắc tại nơi công cộng tại TP Hồ Chí Minh theo hai đợt, tháng 1 và dự kiến vào tháng 6/2017, mỗi đợt 75.000 bản bằng 5 ngôn ngữ Việt Nam, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… Nhưng các đại biểu đều cho rằng, “Nâng cao hình ảnh du khách Việt là một “chiến dịch” dài hơi và đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên.

Phó Tổng giám đốc Công ty HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan cho biết: “Nâng cao hình ảnh du khách Việt rất có lợi với doanh nghiệp lữ hành bởi nếu thực hiện tốt sẽ có những tour tốt. Nhiều tài xế từng phản ứng rất mạnh khi du khách xả rác ra xe, hay du khách đến muộn quá họ phải đi lòng vòng và bị lực lượng công an giao thông bắt…”. Trước bất cập này, ông Hoan kiến nghị các công ty du lịch khi làm tour cần gửi khuyến cáo cho du khách về những điều cần thiết, lưu ý khi tham gia tour. Ngoài ra, với bộ quy tắc cần được cụ thể hóa thành thông điệp truyền thông chung. Nên biểu tượng hóa thành những ký hiệu mà tất cả các du khách ai cũng hiểu được về cách ăn mặc, ko xả rác, phải xếp hàng…

Đồng quan điểm này, Phó giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt phân tích, việc tuyên truyền cần phải có những cách thực hiện tế nhị, đúng cách. Nhưng để giải quyết triệt để các bất cập cần có những chế tài thưởng, phạt rõ ràng. Ở đây, cần có sự phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành  và các nước bạn để cùng thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm. Thậm chí, nên xem việc những công ty thực hiện tốt chương trình văn minh du lịch làm tiêu chí để xét tặng các danh hiệu, giải thưởng du lịch hàng năm. Cũng về vấn đề xử phạt, Giám đốc Hanoitourits Lưu Đức Kế góp ý: “Tốt nhất trong ngành du lịch cũng nên giám sát chéo nhau, nhằm phản ánh tích cực trên tinh thần xây dựng. Bên cạnh đó, xây dựng bộ quy tắc ứng xử cần có hướng dẫn đầy đủ, phải được pháp lý hóa với doanh nghiệp; về phần doanh nghiệp cũng quán triệt tới các đơn vị, cơ sở để có ứng xử hợp lý”.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch gồm: Giữ nụ cười thân thiện, chào hỏi và nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” trong giao tiếp. Xếp hàng trật tự, không chen lấn, xô đẩy, không gây ồn ào nơi công cộng. Không lãng phí thực phẩm, không lấy thừa thức ăn, đồ uống. Không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường. Hãy tôn trọng và ý thức nhường đường cho người khác, tuân thủ luật lệ giao thông. Giúp đỡ, ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em. Tôn trọng phong tục tập quán và văn hóa mỗi địa phương. Lắng nghe thuyết minh và tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch khi tham quan. Không vẽ, chạm khắc, sờ vào những hiện vật của các di tích, các điểm trưng bày. Quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với các thành viên cùng đoàn khi đi du lịch.