Nâng cao kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 17/8, tại Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn TP.

Tham dự buổi tập huấn là đại diện các phòng văn hóa - thông tin của các quận, huyện trên địa bàn TP và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch có uy tín, đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại Khu di lịch sinh thái Phù Đổng Green Park.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại Khu di lịch sinh thái Phù Đổng Green Park.

Hà Nội thu hút hơn 12 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: "6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội hiện có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 603 khách sạn và căn hộ du lịch đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng. Còn lại 3.153 cơ sở lưu trú du lịch chưa xếp hạng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,1%; tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại hội nghị.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại hội nghị.

Về các cơ sở dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, Hà Nội có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được Sở Du lịch quyết định công nhận. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phuc vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.

Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” vào tháng 9/2022 và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022” vào tháng 11/2022 do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn. 

Hồ cá Koi tại Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park
Hồ cá Koi tại Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park

Đặc biệt, năm 2023, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch như: Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, hạng mục “Thành phố” đã vinh danh Thành phố Hà Nội thuộc top 10 thành phố hàng đầu châu Á. Đồng thời, Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó, đặc biệt có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin - giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp cũng như các tổ chức du lịch Hà Nội tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia.

Gia Lâm – vùng đất tiềm năng cho phát triển du lịch

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, từ tháng 3/2022 đến nay, sau khi dịch Covid-19 trên cả nước được khống chế, hoạt động du lịch của Gia Lâm đã hồi phục và phát triển trở lại, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Qua tổng hợp, năm 2022, tổng số lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lâm đạt khoảng trên 300.000 lượt người (trong đó khách quốc tế khoảng 5.000 lượt người). Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách đến Gia Lâm đạt khoảng 250.000 lượt người (trong đó khách quốc tế khoảng 3.200 lượt người), tập trung chủ yếu tại 3 điểm du lịch Bát Tràng, Phù Đổng và Dương Xá.

Các đại biểu nghe phổ biến các quy định mới trong công tác quản lý lưu trú khách du dịch.
Các đại biểu nghe phổ biến các quy định mới trong công tác quản lý lưu trú khách du dịch.

Hiện tại, huyện Gia Lâm định hướng phát triển du lịch theo 3 vùng: vùng 1 ven sông Hồng, lấy điểm du lịch Bát Tràng (được TP công nhận năm 2019) làm trung tâm; vùng 2 phía bắc sông Đuống, lấy điểm du lịch Phù Đổng (được TP công nhận năm 2021) làm trung tâm; vùng 3 phía Nam sông Đuống, lấy điểm du lịch Dương Xá (được TP công nhận năm 2022) làm trung tâm.

Năm 2022, điểm du lịch Phù Đổng và Dương Xá đều được đánh giá đạt tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch; đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao lĩnh vực du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Từ nay đến năm 2025, huyện Gia Lâm dự kiến xây dựng thêm 2 điểm du lịch của TP là Văn Đức và Ninh Hiệp. Hiện tại, UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, một số doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá, tư vấn loại hình sản phẩm du lịch, xác định lộ trình đầu tư phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của 2 xã trên.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau hội nghị.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý lưu trú du lịch – Cục Du lịch Quốc gia, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội phổ biến các kiến thức, quy định mới nhất trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch cũng như các kiến thức, quy định trong công tác PCCC, đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, mục đích của hội nghị tập huấn nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch nói riêng.

 

Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm nằm trên trục đường kết nối chuỗi du lịch, gồm: làng gốm Bát Tràng, đền – chùa Bà Tấm, Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, làng nghề hoa giấy Phù Đổng, làng nghề vải Ninh Hiệp; đền Đô, chùa Phật Tích (Bắc Ninh…)

Phù Đổng Green Park được triển khai trên khuôn viên rộng hơn 15ha với không gian gần gũi với thiên nhiên, thoáng đãng, trong lành, bao phủ bởi hệ thống cây xanh đến 90% diện tích. Tại đây có các khu chính: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, khu trải nghiệm sinh thái dành cho các công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện và khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn, khu nuôi giun quế công nghệ cao, khu sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính...