Huyện Gia Lâm chuẩn bị điều kiện lấy ý kiến cử tri về thành lập quận

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội về việc lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch triển khai tới tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các xã, thị trấn đang được triển khai tích cực, nghiêm túc, đúng quy định. Trên khắp đường làng, ngõ xóm, đặc biệt ở những khu vực trung tâm, cờ, băng rôn, khẩu hiệu được căng treo trang trọng; người dân ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.

Trang trí truyên truyền tại trụ sở UBND xã Dương Quang, huyện Gia Lâm.
Trang trí truyên truyền tại trụ sở UBND xã Dương Quang, huyện Gia Lâm.

Ngày 27/8, tổ chức lấy ý kiến cử tri

Theo Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 28/7/2023 của UBND huyện Gia Lâm, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận được thực hiện trên phạm vi các xã, thị trấn vào ngày 27/8/2023.

Để thực hiện Kế hoạch này, UBND huyện Gia Lâm đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cụ thể, UBND huyện đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, các ban Đảng của huyện, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị của huyện tham gia chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị liên quan và các xã, thị trấn trong công tác triển khai thực hiện.

Theo đó, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu UBND các xã, thị trấn tổ chức thông tin tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân trên địa bàn về việc lấy ý kiến cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hội nghị. Ban hành quyết định về việc thành lập Ban tổ chức, thành lập Tổ lấy phiếu, Tổ thư ký giúp việc, chia khu vực để tổ chức lấy ý kiến cử tri. Tổng hợp biên bản, lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn theo kế hoạch...

Danh sách cử tri đã được niêm yết tại các khu vực dân cư.
Danh sách cử tri đã được niêm yết tại các khu vực dân cư.

Ông Trần Trung Tuyết, Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm cho biết, để công tác lấy ý kiến cử tri được thực hiện đúng quy định, đảm bảo tiến độ và hiệu quả, ngày 10/8/2023, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức hội nghị tập huấn công tác lấy ý kiến cử tri cho lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc huyện; các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, Tổ công tác lấy ý kiến cử tri của huyện và đại biểu thuộc các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được trao đổi, hướng dẫn về nội dung, quy trình lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, trong đó tập trung vào mục đích, yêu cầu, đối tượng cử tri và các mốc thời gian quan trọng...

Tích cực, sáng tạo trong công tác tuyên truyền

Đến thời điểm này, công tác triển khai kế hoạch lấy ý kiến cử tri tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đang diễn ra tích cực. 100% Đảng ủy các xã, thị trấn đã ban hành Nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện. 100% UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND về nội dung Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Các xã, thị trấn cũng đã thực hiện công bố ngày tổ chức xin ý kiến là 27/8; chia khu vực lấy ý kiến; thành lập Ban tổ chức, Tổ thư ký, Tổ lấy ý kiến cử tri…

Bên cạnh đó, bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm và tình hình địa phương, các xã, thị trấn đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền từ trực quan sinh động đến các phương tiện thông tin như đài phát thanh, loa truyền thanh, mạng xã hội (zalo, facebook…).

Một panno cỡ lớn được trang trí tại khu vực trung tâm của xã Yên Viên.
Một panno cỡ lớn được trang trí tại khu vực trung tâm của xã Yên Viên.

Bên cạnh đó, bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm và tình hình địa phương, các xã, thị trấn đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền từ trực quan sinh động đến các phương tiện thông tin như đài phát thanh, loa truyền thanh, mạng xã hội (zalo, facebook…).

Ông Nguyễn Văn Kỷ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Viên cho biết, xã Yên Viên đã hoàn tất việc xây dựng kế hoạch, lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri từ ngày 28/7. Theo đó, toàn xã có 10.107 cử tri. Xã cũng đã hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức, Tổ thư ký, 9 Tổ lấy ý kiến ở 9 khu vực thôn, tổ dân phố. Dự kiến vào Chủ nhật (ngày 20/8), xã Yên Viên sẽ tổ chức tổng vệ sinh trên toàn xã nhân dịp Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và chuẩn bị cho ngày lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận.

Tuy theo Đề án thành lập quận Gia Lâm, xã Yên Viên là đơn vị phải hợp nhất với thị trấn Yên Viên để thành lập phường Yên Viên, song tâm lý người dân rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ.

Tuyên truyền trực quan tại các tuyến đường trục chính của các xã.
Tuyên truyền trực quan tại các tuyến đường trục chính của các xã.

Tại xã Phù Đổng, theo ông Trần Xuân Tĩnh – Chủ tịch UBND xã, hiện xã Phù Đổng cũng đã thành lập 6 Tổ lấy ý kiến cử tri theo từng khu vực thôn; bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được xã triển khai tích cực. Toàn xã đã treo tổng cộng 15 pano tuyên truyền lớn, nhỏ tại các khu vực trung tâm, trụ sở UBND xã, các nhà văn hóa thôn; niêm yết danh sách cử tri tại các khu vực lấy ý kiến. Đồng thời, tuyên truyền về Đề án thành lập quận Gia Lâm và phường Phù Đổng trên hệ thống đài truyền thanh với thời lượng 2 lần/ngày, mỗi lần 15 phút; tuyên truyền, tập huấn thông qua các cuộc họp giao ban, hội nghị.

Tại xã Dương Quang, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Đối cho biết, hiện xã đã thành lập Ban chỉ đạo và 9 Tổ lấy ý kiến với tổng số 124 thành viên. Xã cũng đã triển khai kế hoạch và niêm yết danh sách cử tri từ ngày 28/7; đồng thời tổ chức công tác tuyên truyền, chăng – treo khẩu hiệu ở các khu vực trung tâm xã, nhà văn hóa thôn, các trục đường chính.

Đặc biệt, về công tác tuyên truyền, ngoài việc phát các nội dung của Đề án thành lập quận Gia Lâm trên hệ thống loa truyền thanh của xã và các thôn, xã Dương Quang còn biên tập một bài tuyên truyền ngắn gọn, súc tích nhằm kêu gọi các cử tri nêu cao tinh thần trách nhiệm đóng góp ý kiến, đồng thuận cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đưa Gia Lâm thành quận, xã Dương Quang thành phường, để đưa vào các cuộc họp giao ban, hội nghị và đăng tải trên zalo, facebook...

Còn hơn 10 ngày nữa mới đến thời điểm lấy ý kiến cử tri tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, song tại thời điểm này, công tác chuẩn bị của các xã, thị trấn đã diễn ra tích cực, đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến cử tri vào ngày 27/8, các xã, thị trấn sẽ họp HĐND để tán thành Đề án và trình HĐND huyện. Khi có kết quả cuối cùng, Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm sẽ tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND huyện Gia Lâm xem xét, trình UBND Thành phố.

 

Thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn

Theo Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, quận Gia Lâm được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên (116,64km2) và quy mô dân số của huyện Gia Lâm hiện có (khoảng 310.000 dân).

Quận Gia Lâm có 16 phường được thành lập trên cơ sở 22 xã, thị trấn, trong đó Có 6 phường được thành lập trên cơ sở nguyên trạng, gồm: Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Cổ Bi, Yên Thường, Ninh Hiệp; 4 phường được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá. 6 phường được thành lập trên cơ sở hợp nhất, gồm: phường Bát Tràng (hợp nhất xã Đông Dư và xã Bát Tràng), phường Kim Đức (hợp nhất xã Kim Lan và xã Văn Đức), phường Phú Sơn (hợp nhất xã Kim Sơn và xã Phú Thị), phường Thiên Đức (hợp nhất xã Dương Hà và xã Đình Xuyên), phường Phù Đổng (hợp nhất xã Phù Đổng và xã Trung Mầu), phường Yên Viên (hợp nhất xã Yên Viên và Thị trấn Yên Viên).