Tham gia tư vấn tại buổi Hội thảo là những chuyên gia đầu ngành trong ngành nông nghiệp của nước ta. Tại đây các chuyên gia đã tư vấn những kỹ thuật canh tác mới và giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình sản xuất của bà con nông dân. Buổi Hội thảo đã thu hút 200 nông dân huyện Sóc Sơn tham gia, với hơn 100 câu hỏi cho Ban cố vấn của chương trình. Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh các vấn đề về những bệnh thường gặp trên vật nuôi và cây trồng, như bệnh chảy mủ ở cam, bưởi; bệnh nấm quả trên cây đu đủ; bệnh vàng lá ở cây bưởi; bệnh nứt quả ở cam; cách phòng trừ ruồi vàng đục quả.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bà con quan tâm tới kỹ thuật sản xuất để nâng cao chất lượng cũng như năng suất cây trồng như, cách chăm sóc để trồng xoài trái vụ, hay làm thế nào để tăng vị ngọt của quả bưởi Diễn, kỹ thuật chăm sóc để cây nhãn không bị mất mùa… Một số người lại thắc mắc về cách phòng bệnh và chăm sóc vật nuôi trong mùa đông, cách chữa trị bệnh tiêu chảy ở bò, lợn…
Qua đó, các chuyên gia đã lần lượt trả lời các thắc mắc của người dân một cách bài bản và dễ hiểu nhất. Theo các chuyên gia, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất chính là phương pháp “phòng là chính”. Theo TS Ngô Vĩnh Viễn - Nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, đối với các loại cây khi nhiễm bệnh mới phun thuốc trừ sâu thì hiệu quả phòng trừ bệnh không cao. Vì vậy người nông dân nên chủ động phòng bệnh ngay ban từ đầu, bằng cách canh tác đúng khung thời vụ, có chế độ chăm sóc đúng quy trình, thường xuyên dọn dẹp vườn sạch sẽ để tránh phát sinh các loại nấm, mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Đối với phun thuốc trừ sâu ngoài phun đúng thời điểm thì mỗi loại bệnh lại có những cách phun khác nhau. Các chuyên gia cũng khuyến cáo tới người dân về việc sản xuất an toàn. Bởi, sản xuất an toàn không những bảo vệ cho sức khỏe của cộng đồng, nâng cao hiệu quả canh tác, mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính người trực tiếp tham gia sản xuất. Đặc biệt, tại đây các chuyên gia còn cung cấp những địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp các loại giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật sản xuất cho bà con, để người dân được tiếp cận với những giống vật nuôi, cây trồng tốt nhất, nâng cao hiệu quả sản xuất.