Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao trách nhiệm xã hội của báo chí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến cho rằng, báo chí cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội, bởi báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt.

Ngày 17/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Đạo đức nghề báo trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin", với sự tham gia của nhiều nhà báo đang hoạt động tại các cơ quan báo chí.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau nhìn nhận, phân tích về sự phát triển của khoa học - công nghệ, tạo ra những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận và hoạt động trao đổi thông tin của các phương tiện truyền thông truyền thống. Nhiều ý kiến cho rằng, báo chí cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội, bởi báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Chính vì vậy, đòi hỏi người làm báo cần có sự "nhạy cảm nghề nghiệp" trong chọn lựa, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, trong môi trường thông tin đa chiều, báo chí cần phải "vun đắp" niềm tin cho công chúng. 

Theo Ban tổ chức, qua Hội thảo này, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn giới báo chí thấm nhuần hơn nữa trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong việc thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội, vì ngoài mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, báo chí còn thực hiện chức năng phản biện xã hội. Các nhà báo không được để đồng tiền chi phối, đi chệch các quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, vi phạm Luật Báo chí và đặc biệt là hạ thấp phẩm chất của người làm báo Việt Nam.