Vấn đề ùn tắc giao thông (UTGT) đang trở thành áp lực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong khi đó Việt Nam chưa đủ điều kiện để trang bị hệ thống giám sát giao thông bằng các thiết bị điện tử thì vai trò của lực lượng CSGT không thể thiếu trong mặt trận giữ gìn trật tự ATGT. Những nỗi đau “ám ảnh” Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, trong một phóng sự thực tế những du khách nước ngoài thường nói với nhau “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông Việt Nam”. Đấy không phải là câu nói đùa hài hước mà nói lên thực trạng giao thông của đất nước chúng ta đang trong tình trạng đáng báo động. Mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống khi đi lại trên đường. Ngày hôm nay tôi và các bạn đã trở thành những người tham gia giao thông may mắn còn sống. Nhưng còn ngày mai thì sao?
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2015, cả nước xảy ra 22.404 vụ TNGT, làm chết 8.671 người, làm bị thương 20.556 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 2.918 vụ (11,52%), giảm 325 người chết (3,61%), giảm 3.861 người bị thương (15,81%). Các con số thống kê lạnh lùng đó, không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên đột ngột như sét đánh giữa trời quang mà còn là nhát cứa lên vết thương chưa lành miệng đang rỉ máu. 10 năm qua ước tính có trên 120.000 người tử vong vì TNGT tương đương với 40 vụ rơi máy bay thảm khốc mỗi năm. Chắc chắn không có nhiều kẻ điên rồ muốn tham gia “chuyến bay” mạo hiểm ấy. Nhưng đâu có sự lựa chọn? Chúng ta vẫn phải tham gia giao thông và sống chung với “án tử” treo lơ lửng mỗi khi ra đường. Những người còn “sống sót” theo nghĩa mảnh mai nhất “còn thở” hiểu rằng số vụ tai nạn lớn dần lên đều có nguyên nhân của nó. Đầu tiên phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, đi tắt bục, dàn hàng ngang trên đường, sử dụng điện thoại khi lái xe... Hay khi va chạm nhẹ là đủ kiểu ăn vạ, hành hung. Tôi từng nghe câu nói hài hước “Giao thông Việt Nam là kiểu giao thông điền vào chỗ trống” – có lưu thông trên đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm mới thấm thía câu nói trên. Đạo đức xuống cấp ở phần đông người tham gia giao thông là nguy cơ lớn nhất thì nguy cơ lớn thứ hai là sự vô cảm của một số người có trách nhiệm nhưng đã không tận tâm, tận lực góp phần làm giảm ùn tắc và kiềm chế TNGT. Ngoài ra những nguyên do của TNGT còn tới từ công trình không đảm bảo chất lượng khi bị rút ruột thi công, quản lý còn nhiều bất cập, chiếm 20% còn lại những nguyên nhân của TNGT. Đẩy mạnh vai trò nòng cốt Để phát triển bền vững các giải pháp và chính sách ATGT đường bộ; giảm TNGT và UTGT một cách bền vững, tiến tới xây dựng xã hội giao thông an toàn, văn minh và bền vững cần đẩy mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng CSGT. Các chiến sỹ công an cần chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Ủy ban ATGT các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý, điều hành các ngành, đoàn thể và Nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGT. Xác định rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên. Cần nhanh chóng phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Vận động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng tham gia bảo đảm trật tự ATGT, phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, cần chú trọng áp dụng các nội dung, hình thức thích hợp để cán bộ, Đảng viên, Nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa từ TNGT. Qua đó, lồng ghép biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật về ATGT. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kết hợp với các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về trật tự ATGT trong trường học. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành quy định về trật tự ATGT. Trong xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, lực lượng CSGT Công an các cấp phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn tích cực hướng dẫn chính quyền, các ngành, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở và dưới cơ sở xây dựng, triển khai các mô hình tự quản của quần chúng bảo đảm trật tự ATGT ở khu vực dân cư, cổng cơ quan, trường học. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tổ chức hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường cao tốc, các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến giao thông nội đô Hà Nội. Khi xử lý vi phạm trật tự ATGT, chiến sĩ CSGT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực xử lý vi phạm đúng pháp luật, kết hợp với việc kiên trì vận động, thuyết phục, hướng dẫn, giải thích, lấy vận động, thuyết phục, giải thích, hướng dẫn là chính.
Lực lượng Thanh tra giao thông xử lý xe vi phạm trên phố Bà Triệu. Ảnh: Thanh Hải |